Tích cực nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả cao
Theo Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), giai đoạn năm 2021 - 2022, thực hiện theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, Trung tâm triển khai thực hiện 17 mô hình khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Qua kết quả đánh giá, Trung tâm đã lựa chọn ra một số mô hình phù hợp, đạt hiệu quả cao để triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
Trên lĩnh vực trồng trọt, có các mô hình được đánh giá cao như thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ; thâm canh cây trồng cạn trên đất chuyển đổi; trồng các giống rau mới, rau chịu nhiệt; thâm canh cây đậu phụng gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Lĩnh vực chăn nuôi có mô hình chăn nuôi kết hợp sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí thức ăn; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng hệ thống xử lý chất thải và tách phân trong nuôi heo. Lĩnh vực thủy sản có mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh - bán thâm canh bằng công nghệ Semi - Biofloc, nuôi cá trong hồ thủy lợi…
Khi xây dựng các mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế nhu cầu của từng địa phương, làm cơ sở để xây dựng mô hình. Mô hình khuyến nông là một bước thí điểm để chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, công nghệ mới, do vậy điều đầu tiên khi triển khai các mô hình, Trung tâm tổ chức lắng nghe ý kiến, đề xuất, nhu cầu của bà con nông dân và chính quyền địa phương theo hướng càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Chẳng hạn, ở huyện Hoài Ân kết quả khảo sát cho thấy vùng này rất phù hợp để phát triển cây ăn quả có múi, từ đó liên tục nhiều năm qua, các mô hình khuyến nông đều triển khai tập trung vào nhóm cây này. Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến huyện, dần dần nông dân đã áp dụng và từng bước làm chủ các kỹ thuật canh tác cần thiết, theo đó vùng chuyên canh cây ăn trái có múi hợp chuẩn rộng thêm dần, phẩm cấp của các loại trái cây cũng cao hơn trước nhiều.
Hay như ở Tây Sơn, qua khảo sát thấy nhu cầu của nông dân tập trung vào 2 nhóm là trồng rau chịu nhiệt và trồng đậu phụng ở các diện tích chuyển đổi, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn triển khai các mô hình khuyến nông liên quan hai loại cây trồng này.
Mô hình trồng rau chịu nhiệt giống mới do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Dự án Rau an toàn Bình Định thực hiện tại HTXNN Thuận Nghĩa (Tây Sơn). Ảnh: THU DỊU
Tương tự, ở địa phương ven biển, nuôi trồng thủy sản đang trở thành thế mạnh. Chính vì thế, Trung tâm phối hợp xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi trồng thủy sản như: Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ Semi- Biofloc, nuôi tổng hợp, nuôi xen ghép tôm, cua, cá kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn.
Chia sẻ về điều này, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay, 2 năm qua, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với địa phương triển khai một số mô hình như canh tác bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP áp dụng quy trình IPM trong quản lý dịch hại, bước đầu tạo được nhiều vườn cây ăn quả an toàn, sinh thái. Từ các mô hình này, nhiều hộ dân trong huyện đã học theo, tự đầu tư chuyển đổi dần trên các diện tích canh tác của gia đình. Đến nay, riêng về cây bưởi, toàn huyện đã có hơn 40 ha diện tích canh tác hợp chuẩn VietGAP có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tương tự, ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết, nhờ việc triển khai một số mô hình sản xuất giống rau mới (súp lơ vàng chịu nhiệt, cải bó xôi, cải ngọt giống Thái, dưa leo chịu nhiệt), vùng rau Thuận Nghĩa đa dạng được danh mục cây trồng, tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm.
Ấn tượng với mô hình khuyến nông trong giai đoạn 2021 - 2022 phải kể đến các mô hình trong nuôi trồng thủy sản, trong đó là nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi- Biofloc. Đến nay, Trung tâm Khuyến nông chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm bằng công nghệ này cho các vùng nuôi trong tỉnh với diện tích trên 15 ha ao nuôi. Nhờ nuôi tôm kiểu mới này, nhiều hộ nuôi đã có thể tự điều chỉnh lịch thả nuôi theo nhu cầu của thị trường, giảm cạnh tranh và tăng thu nhập.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn áp dụng công nghệ Semi - Biofloc tại vùng nuôi Cát Khánh (Phù Cát). Ảnh: THU DỊU
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: “Trong giai đoạn này, hoạt động khuyến nông phải thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu thực tế. Mô hình không còn thuần túy chuyển giao kỹ thuật mà phải có định hướng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, có công nghệ mới. Thực tế, hiện nay bà con nông dân nắm bắt rất tốt kỹ thuật, thậm chí có sự tìm hiểu nhất định về công nghệ, cái thiếu ở đây là các giải pháp, các đầu ra liên kết…, chính vì thế Trung tâm tập trung vào các mô hình xây dựng các giải pháp phù hợp để hỗ trợ bà con tốt nhất”.
“Qua việc thâm canh áp dụng phương pháp quản lý dịch hại IPM, tôi học hỏi được nhiều biện pháp xử lý sâu bệnh hại an toàn, đảm bảo cây bưởi sinh trưởng tốt, chất lượng sản phẩm đảm bảo”.
Ông HÀN VĂN THANH, hộ tham gia mô hình tại xã Ân Tường Tây (Hoài Ân).
“Nhờ áp dụng công nghệ mới, vụ nuôi tôm năm 2022 tôi đã thành công. Tôm phát triển ổn định, bán được giá, dịch bệnh giảm hẳn. Hiện tôi đang tập trung cho khâu xử lý, vệ sinh hồ để cho vụ nuôi đầu năm 2023 thuận lợi”.
Ông THÁI DUYÊN HẠNH, hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn áp dụng công nghệ Semi - Biofloc tại xã Cát Khánh (Phù Cát).
THU DỊU