Tự quản để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều mô hình tự quản theo tổ, nhóm liên gia, cụm dân cư trên các lĩnh vực kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa đã ra đời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đoàn kết phát triển kinh tế
Theo thống kê của các địa phương, toàn tỉnh hiện có khoảng 60 mô hình tự quản trong lĩnh vực kinh tế. Việc huy động sự tham gia của nhân dân vào các mô hình, tạo động lực cho mục tiêu chung trong phát triển KT-XH đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.
Thành viên tổ liên gia tự quản sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở khu vực Thuận Nghĩa thu hoạch, cung ứng rau sạch ra thị trường. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Thành lập từ năm 2014 với 20 thành viên, nay đã nâng lên 30 thành viên, tổ liên gia tự quản sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở khu vực Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hướng tới mục tiêu sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổ phân phối rau, cung cấp cho 2 siêu thị, các quầy rau lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum… Mỗi năm cung cấp cho thị trường 60 - 70 tấn rau sạch với trên 40 loại rau, củ, quả theo mùa. Từ đó, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động trên địa bàn, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng tổ liên gia, cho biết: “Thông qua mô hình, chúng tôi đã tập hợp được các thành viên, cùng thực hiện nghiêm túc các cam kết trong sản xuất, kiên trì với mục tiêu trồng rau sạch, xây dựng niềm tin với khách hàng. Đó là các cam kết: Không thuốc bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không dư lượng Nitrat, không dư lượng kim loại nặng, không sử dụng thuốc trừ cỏ… Các kết quả phấn khởi trong thời gian qua đã giúp thành viên trong tổ ngày càng vững niềm tin, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng”.
Hưởng ứng phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế, Chi hội CCB khu phố Đăk Đưm (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) đã bắt tay vào xây dựng mô hình Tổ liên gia tự quản sản xuất nông sản thâm canh và chăn nuôi kết hợp. Từ tháng 9.2019 đến nay, tổ đã phát triển được 10 thành viên. Các sản phẩm hàng hóa của tổ cung ứng ra thị trường gồm: Gỗ keo, mì gòn, heo lai, các loại rau sạch…
Theo ông Đoàn Văn Dặm, Tổ trưởng tổ liên gia tự quản, các thành viên của tổ đang sở hữu trên 20 ha diện tích rừng keo lai; khai thác rừng trồng đạt 110 - 120 tấn/ha, doanh thu 130 - 170 triệu đồng/năm. Trồng mì gòn để cung cấp cho thị trường khoảng 20 - 25 tấn/ha. Việc chăn nuôi heo đen thả vườn, trồng rau sạch luôn hướng tới phương châm: Không sử dụng chất tăng trọng, không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng…
Xây dựng đời sống văn hóa mới
Các mô hình về xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa đã hình thành ở tất cả huyện, thị xã, thành phố, góp phần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, cách làm trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
CLB Cồng chiêng của đồng bào H’re thôn 4 (xã An Trung, huyện An Lão) tập hợp các thành viên say mê cồng chiêng, làn điệu dân ca truyền thống, tham gia biểu diễn ở các lễ hội của địa phương, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Bà Đinh Thị Gai, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Để gìn giữ nét đẹp truyền thống, CLB đã vận động nhân dân trong làng tham gia các hoạt động tập luyện, biểu diễn cồng chiêng, múa hát. Nhiều thanh niên từng bỡ ngỡ, ngượng ngùng bởi không biết đánh cồng, chiêng, múa hát thì nay đã mạnh dạn hơn. Đội cồng chiêng của thôn cũng tham gia các lễ hội lớn của huyện, của tỉnh.
Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại khu dân cư Phước Thung (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) đã đẩy mạnh vận động nhân dân thu gom rác thải, giám sát việc thu gom, tập trung rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổ trưởng tổ tự quản, nói: Định kỳ 2 lần mỗi tháng, chúng tôi thực hiện tiêu hủy rác thải, chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng. Bà con ý thức rõ ý nghĩa của hoạt động này là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mình. Năm 2020, mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã.
NGUYỄN MUỘI