Triển khai quyết liệt chương trình hành động 180 ngày ngăn chặn vi phạm IUU
(BĐ) - Sáng 21.12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tỉnh Bình Định thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Quang cảnh cuộc họp sáng 21.12.2022. Ảnh: THU DỊU
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chương trình hành động 180 ngày ngăn chặn vi phạm IUU; cùng với đó xây dựng giải pháp lâu dài, căn cơ trong việc hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề phù hợp, ổn định sinh kế, ngăn vi phạm triệt để.
Thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 37 tàu/231 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ do vi phạm. Riêng năm 2022 có 10 tàu/61 thuyền viên bị bắt giữ, trong đó huyện Phù Cát có 8 tàu/48 thuyền viên, TP Quy Nhơn có 1 tàu/7 thuyền viên, TX Hoài Nhơn có 1 tàu/6 thuyền viên (riêng trường hợp tàu cá của Hoài Nhơn qua xác minh tọa độ vị trí vẫn ở trong vùng biển của Việt Nam). Trong số 10 tàu vi phạm năm 2022, có 9 tàu xuất bến ngoài tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu 7 tàu, Bình Thuận 1 tàu, TP Đà Nẵng 1 tàu), 1 tàu xuất bến tại Cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn).
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt; các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định, hình thức xử lý vi phạm của một số nước, nhưng tình trạng tàu cá bị bắt giữ vẫn chưa chấm dứt. Một số ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố tình đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hầu hết tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu về địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15 m, tàu cũ, giá trị thấp, chưa quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá, bên cạnh các mặt đã làm được, tình trạng vi phạm IUU còn diễn ra, phần lớn nguyên nhân là từ chủ quan. Nguyên nhân đã được xác định, giải pháp đã có, để ngăn chặn được tình trạng vi phạm IUU, từ nay cho đến tháng 6.2023 phải triển khai quyết liệt, đồng bộ chương trình hành động 180 ngày ngăn chặn vi phạm. Sau cuộc họp này, Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến, đề xuất tham mưu cho Ban cán sự Đảng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về ngăn chặn vi phạm IUU; tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình hành động ngăn chặn vi phạm IUU; thành lập tổ công tác làm việc với các tỉnh có tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động để cùng phối hợp xử lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu xem xét, đề xuất giải pháp xử lý với nhóm tàu cá khai thác ở vùng khơi mất kết nối trên biển.
- Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra vị trí các tàu trên hệ thống giám sát tại trạm bờ ở Chi cục Thủy sản. Ảnh: THU DỊU
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, chỉ đạo: “Các địa phương rà soát lại các đội tàu, phân loại, nắm chi tiết tới từng hộ, khoanh vùng đối tượng dễ vi phạm, nguy cơ cao để có biện pháp riêng trong tuyên truyền. Cùng với đó, quá trình rà soát các địa phương phải hết sức lưu ý với nhóm tàu không đủ điều kiện vẫn hành nghề để tuyên truyền người dân tuân thủ, từng bước hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU ở từng địa phương theo phân cấp, giao trách nhiệm tới từng người đứng đầu, thường xuyên liên tục triển khai công tác ngăn chặn vi phạm. Trong thời gian này, tập trung đẩy mạnh đợt cao điểm tuyên truyền, giao các hội, đoàn thể tham gia phối hợp với chính quyền đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp gỡ ngư dân để tuyên truyền. Qua trao đổi, xác định được thời gian các ngư dân thường xuyên vi phạm là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, vì thế phải chú trọng tuyên truyền, rà soát vào dịp này.
Cùng với đó, sắp tới UBND tỉnh ký quy chế phối hợp với các địa phương khác để cùng quản lý đội tàu, vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương rà soát phân loại từng nhóm để có những giải pháp phù hợp. Với những tàu cá ở nhóm nguy cơ cao nhiều năm không về địa phương, Chi cục Thủy sản thống kê lại, thông báo chủ tàu về địa phương làm các thủ tục cấp giấy phép, trường hợp chủ tàu không về, tạm thời không cấp giấy phép và Chi cục phải thông báo rõ lý do để người dân được biết. Vấn đề vi phạm nằm ở việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, do vậy đẩy mạnh việc xử lý vi phạm để răn đe. Riêng với tàu mất kết nối, phải tính toán đề xuất xử lý các tàu mất kết nối từ 1 ngày trở lên - đây là nhóm nguy cơ cao. Về lâu dài, chúng ta tính toán đến việc chuyển đổi nghề phù hợp, vì ổn định sinh kế là giải pháp bền vững và phù hợp để ngăn chặn vi phạm. Ở đây, các địa phương nên chủ động, tổ chức lấy ý kiến người dân, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm".
THU DỊU