Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng như: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng... để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng.
Thông tin trên được bà Trần Thị Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" diễn ra sáng 20.12 tại Hà Nội.
Thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ chức năng tạo cho cơ thể con người tình trạng thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật.
Thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước, giúp bổ sung thành phần có lợi, từ đó thực phẩm chức năng phát triển mạnh hơn qua các nước như Hoa kỳ, Canada, đặc biệt là Trung Quốc. Thực phẩm chức năng chính thức vào Việt Nam vào những năm 2000.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân tăng
Việt Nam có lợi thế lớn phát triển thực phẩm chức năng, trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu, từ bài thuốc Đông y, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất, tách chiết để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe. Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về thực phẩm chức năng.
Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm. Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước, người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên hơn 60%.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Việt Nga cho biết, những hành vi bị cấm trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng; ngoài ra, không sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"… để quảng cáo sản phẩm.
Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến, quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.
"Đáng chú ý là việc sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm diễn ra rất phổ biến. Người nào cũng rất nhiều bệnh"- bà Nga nhấn mạnh.
90% thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật.
Nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Thời gian qua cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, có tình trạng nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng.
Do đó, các đại biểu tại Hội thảo đề xuất Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng.
Theo VOV2