Tiếp thêm động lực cho phạm nhân phục thiện
Dù 8 giờ ngày 20.12, Hội nghị gia đình phạm nhân do Trại giam Kim Sơn (Bộ CA, đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) tổ chức mới diễn ra, nhưng từ chiều tối hôm trước, nhiều gia đình đã đến thuê trọ gần đó để sớm được hội ngộ người thân.
Vừa vội vàng lấy ghế, vừa vẫy tay hớn hở khi thấy anh chị em, cháu của mình và người cha già bước chân tập tễnh đang tiến lại gần, phạm nhân Ngô Đình Lai (ở huyện Phù Mỹ) không giấu được niềm vui. Bởi hơn 2 năm rồi, nay Lai mới cùng lúc được gặp đông đủ các thành viên trong gia đình. “Ba có khỏe không? Cháu có nhớ chú không? Chị nay xin nghỉ để vào đây với em à? Cả nhà mình đi đường có mệt không…”… Cứ thế, Lai liên tục hỏi thăm từng người thân.
Lai bị kết án 15 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Từ chỗ bất mãn, hoang mang vì mức án cao, Lai đã cải tạo, chấp hành tốt nội quy của Trại, còn có thêm nghề điện “lận lưng”. “Do đau ốm liên miên nên gần đây tôi ít lên thăm cháu. Lần này lên thấy nó vui vẻ, hoạt bát và khoe đã biết làm được nhiều việc, tôi mừng và yên tâm lắm”, ba của Lai cho biết.
Người thân tranh thủ từng phút để thăm hỏi, động viên phạm nhân cố gắng cải tạo. Ảnh: K.A
Trong khi đó, ông Lê Phú Định (ở Phú Yên), cha của phạm nhân Lê Phú Toàn, cũng không giấu được xúc động khi con trai khoe thành tích cải tạo của mình. Được ngồi cùng con trai, nhâm nhi vài món ăn vợ làm và gói ghém cho con trai từ tối hôm trước là niềm vui khó tả với ông Định.
Toàn là con út trong gia đình, cũng là đứa con trai duy nhất nên được cưng chiều. Rồi Toàn theo chúng bạn đi chơi, sau một lần gây gổ, Toàn bị xử 6 năm tù giam về tội giết người khi chưa đầy 16 tuổi. “Thật lòng, con đi tù là nỗi khổ của gia đình, nhưng thấy con ngày càng chững chạc, cải tạo được xếp loại tốt, tôi mừng và cũng thấy đôi chút vinh dự. Bởi, có rất nhiều phạm nhân đang cải tạo ở đây, nhưng chỉ có ít phạm nhân được tuyên dương và gia đình được vinh dự tham dự hội nghị”.
Không chỉ được trực tiếp gặp người thân, tại hội nghị, các thân nhân phạm nhân còn được nói lên những trăn trở, mong muốn đối với con em họ. Như bà Lê Thị Thủy (ở Phù Mỹ), mẹ phạm nhân Phan Hoài Phú, chia sẻ: “Khi đầu cứ nghĩ con vào trại thì sẽ bị đánh đập, nên gia đình lo lắng lắm. Sau những lần vào thăm, rồi hằng tháng được Trại thông báo, trao đổi về quá trình cải tạo của con, thấy con điềm đạm hơn, có trách nhiệm hơn nên gia đình rất yên tâm, luôn động viên con tích cực học tập, cải tạo”.
Sau khi tham gia hội nghị gia đình phạm nhân lần này, bà Nguyễn Thị Lan (ở tỉnh Quảng Nam) cho rằng các gia đình hãy tích cực cùng Trại tác động, vận động để con em mình tập trung cải tạo tốt; không nên tiếp tay cho vi phạm, như gửi đồ vật cấm vào trại.
Giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ của trại, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ từ thân nhân phạm nhân. Hội nghị gia đình phạm nhân được tổ chức không ngoài mục đích tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam với gia đình để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của phạm nhân.
Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết, Trại luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật, đạo đức công dân, học tập văn hóa, học nghề, phổ biến thông tin thời sự, chính sách cho phạm nhân... Hằng năm, tỉ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt trên 93%. Tuy vậy, vẫn còn phạm nhân không chịu học tập, lao động cải tạo, có hành vi tiêu cực, không chấp hành nội quy trại giam. Hội nghị gia đình phạm nhân là dịp tốt để gia đình gặp gỡ, động viên con em mình; cũng là cơ hội cho những người đã từng phạm tội được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, từ đó có ý thức cải tạo tốt hơn để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
“Mọi nỗ lực giáo dục, cải tạo của Trại giam, của các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa đủ, khó giúp phạm nhân tiến bộ hơn nếu như không có sự quan tâm, hỗ trợ từ chính gia đình của họ. Liệu pháp tinh thần như thăm hỏi trực tiếp, điện thoại, viết thư cho phạm nhân sẽ gieo vào họ niềm tin hướng thiện, vươn lên”, thượng tá Phòng khẳng định.
KIỀU ANH