Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào những vấn đề liên quan đến trẻ em
Toàn tỉnh hiện có 4 CLB Quyền tham gia của trẻ em: TX An Nhơn (đặt tại hai trường THCS Bình Định và THCS Nhơn Hưng), TP Quy Nhơn (đặt tại Trường THCS Lương Thế Vinh), huyện Vĩnh Thạnh (đặt tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh) và huyện Tây Sơn (đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn).
Mục đích của mô hình CLB này là tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng thông qua các hoạt động phù hợp thực tế cho những trẻ đăng ký làm thành viên của CLB, giúp các em nâng cao nhận thức về quyền và bổn phận của mình. Từ đó, tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tại trường học, cộng đồng. Những chia sẻ, kiến nghị từ chính thành viên CLB sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong gia đình, cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiệu quả.
90 trẻ em đến từ các CLB Quyền tham gia của trẻ em trong tỉnh đã tham dự tập huấn của Sở LĐ-TB&XH vào ngày 18.12. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH
Trừ thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các CLB vẫn duy trì hoạt động tuyên truyền định kỳ vào mỗi tháng. Thầy Lâm Quang Minh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bình Định (TX AN Nhơn), thành viên Tổ tư vấn CLB cho biết, CLB của nhà trường chú trọng nội dung tuyên truyền theo từng chủ đề cụ thể. Chẳng hạn, tháng 9 giới thiệu về 25 quyền trong Luật Trẻ em 2016, tháng 10 tuyên truyền về 15 hành vi nghiêm cấm đối với trẻ em...
“Cũng có tháng trường không tuyên truyền mà tổ chức hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như tặng góc học tập, tặng xe đạp, quà... thông qua việc phát động các phong trào như kế hoạch nhỏ, tấm lòng vàng, lì xì heo đất như đã làm trong tháng 11 vừa rồi”, thầy Minh chia sẻ.
Là đơn vị “sinh sau đẻ muộn”, đối tượng lại đặc thù là học sinh người dân tộc thiểu số, CLB Quyền tham gia của trẻ em của huyện Tây Sơn đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn tổ chức hoạt động rất bài bản ngay từ đầu; suốt 5 tháng qua tổ chức sinh hoạt đều đặn 1 tháng/lần. Bên cạnh công tác tuyên truyền, điều cốt lõi nhà trường hướng đến là tạo thêm môi trường giao lưu, sinh hoạt để tăng sự cởi mở, dạn dĩ của học sinh, giúp các em thoải mái hơn khi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình.
“Chỉ qua 5 lần sinh hoạt, một số em đã tỏ ra cởi mở và biết cách nói ra điều mình mong muốn hơn trước đây. Cùng với việc các em mở lòng, nhà trường nắm bắt tâm lý, kịp thời định hướng, hy vọng mô hình CLB sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục các em thời gian tới”, thầy Nguyễn Kim Huynh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Phó Chủ nhiệm CLB, cho hay.
Nhiều phụ huynh ở TP Quy Nhơn bày tỏ mong muốn, trước rất nhiều cám dỗ với trẻ trong không gian mạng, xu hướng trẻ không muốn chia sẻ với ba mẹ nhưng rất hào hứng thể hiện với bạn bè, mô hình CLB rất cần được quan tâm, phát triển. Thông qua những kênh như CLB, người lớn có điều kiện lắng nghe, thấu hiểu các em, kịp thời điều chỉnh mình, định hướng trẻ phát triển tốt hơn...
NGỌC TÚ