Xây dựng Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan thành điểm đọc sách cộng đồng
(BĐ) - Chiều 21.12, Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn thực hiện việc tặng và luân chuyển 500 bản sách các loại cho Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan, tọa lạc tại khu phố Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn). Cùng với hơn 2.000 bản sách, tạp chí đang lưu giữ tại đây, thời gian đến, Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan sẽ được xây dựng thành điểm đọc sách cộng đồng phục vụ nhân dân khu phố Hoà Cư và bạn đọc gần xa trong, ngoài tỉnh.
Thư viện tỉnh, Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn thực hiện việc tặng và luân chuyển 500 bản sách cho Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan. Ảnh: T.LỢI
Ông Lâm Trường Định, cháu nội thi sĩ Yến Lan, cho biết thêm: Do gian phòng thờ thi sĩ Yến Lan tại nhà riêng ở phường Bình Định (TX An Nhơn) nhỏ hẹp, nên việc trưng bày hiện vật, cũng như đón tiếp nhiều khách trong dịp kỷ niệm ngày mất của thi sĩ bị hạn chế. Năm 2020, gia đình thi sĩ đã đầu tư xây dựng nhà lưu niệm mới ở phường Nhơn Hòa trên diện tích 500 m2; trong đó nhà lưu niệm rộng 200 m2, là nơi thờ cúng, trưng bày những tác phẩm, hiện vật, hình ảnh liên quan đến thi sĩ Yến Lan.
Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2.3.1916, tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (nay là phường Bình Định, TX An Nhơn). Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành bàn thành tứ hữu nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là ủy viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947 - 1949); là ủy viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 - 1954, ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất ngày 5.10.1998 (15.8 năm Mậu Dần). Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
TRỌNG LỢI