Kiểm soát ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ
Thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ để phát huy tiềm năng, lợi thế biển và hải đảo trong phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN&MT), cho biết: Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, từ tháng 10.2021 - 12.2022, Sở TN&MT phối hợp với Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) triển khai Dự án nghiên cứu, điều tra, kiểm soát nguồn thải trực tiếp gây suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ tỉnh Bình Định; đồng thời, lập bộ bản đồ tỷ lệ 1/25.000 hiện trạng hệ thống nguồn thải và phạm vi ảnh hưởng của các chất gây ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ của tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường biển để phát triển kinh tế bền vững.
Ngư dân nuôi trồng thủy sản dần ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo các chuyên gia, trong khi các nguồn thải từ công nghiệp, nông nghiệp chỉ ảnh hưởng ở mức độ và phạm vi tác động hẹp ở các khu vực cửa sông trong mùa mưa thì nguồn thải từ sinh hoạt, chăn nuôi; chế biến, nuôi trồng thủy sản đã ảnh hưởng lên toàn bộ vùng biển ven bờ của tỉnh, kéo dài quanh năm.
Anh Mai Phúc Trường, ngư dân nuôi cá trên lồng bè ở Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), bộc bạch: Vùng nuôi này hiện có cả trăm bè với cả nghìn lồng nuôi nằm san sát nhau, nên khi có dịch bệnh sẽ lây lan cả vùng nuôi là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng ngoài các yếu tố tác động từ môi trường ra, chính người trực tiếp nuôi cá cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển khi xả rác thải nhựa, các chất thải khi vệ sinh lồng bè xuống khu vực nuôi. Gần đây khi ý thức được những mối nguy hại khi xả thải như thế, một số hộ nuôi cá ở đây đã thu gom rác thải trên lồng bè để đưa về bờ xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm vùng nuôi.
Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng được các địa phương ven biển chú trọng. Ông Phạm Đình Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn, cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường biển, địa phương duy trì mô hình thu gom rác thải, làm ao chứa nước thải từ hoạt động nuôi tôm tại đầm Kim Giao với diện tích hơn 0,5 ha để giảm thiểu nguồn thải ra biển gây ô nhiễm vùng biển ven bờ của xã.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cùng với công tác quản lý rác thải trên bờ vùng ven biển cũng cần chú trọng nhiều hơn vấn đề xử lý ô nhiễm trong hoạt động sơ chế thủy sản; vì sự phát triển bền vững phải sớm giải quyết rốt ráo vấn đề này. “Khi chưa có quy hoạch, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp trước mắt, như: Hướng dẫn người dân khi sơ chế mực, cá phải thu gom các phế phẩm chuyển làm thức ăn chăn nuôi không xả ra môi trường; khu vực phơi hải sản phải làm vách ngăn cao, có quạt hút mùi để hạn chế mùi hôi phát tán; dùng chế phẩm sinh học lọc lắng nước thải sơ chế thủy sản trước khi xả thải sẽ giảm tác động đến môi trường…”, TS Trần Văn Vinh bày tỏ.
Ngoài việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và đại dương, tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện quy hoạch quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Nhung, đến nay, Sở TN&MT đã khảo sát, lập danh mục, tiến hành cắm mốc giới hơn 100 km hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh, nhằm bảo vệ hệ sinh thái vùng bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân đối với biển… theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN