Đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam: Thi công ngay sau khi phát lệnh
Theo đại diện các Ban QLDA của Bộ GTVT, hiện tất cả đã sẵn sàng để đảm bảo khởi công các gói thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đúng tiến độ vào ngày đầu tiên năm 2023.
Thời gian kỷ lục cho 1 “siêu” dự án
Ông Bùi Quang Thái-Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ GTVT khẳng định, cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 là dự án đầu tiên đảm bảo chủ động về thời gian thực hiện từ trước đến nay.
“Đây là điều chưa bao giờ có. Đây cũng là cơ sở quan trọng khắc phục được tình trạng chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị đầu tư vốn tồn tại ở nhiều dự án giao thông trước đó”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, việc rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư thể hiện quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT trong việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ với dự án trọng điểm quốc gia này.
Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được khẩn trương thi công và hoàn thành.
Nếu cao tốc giai đoạn 1 (2017-2020) có thời gian lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần khoảng 1 năm (tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư), các dự án giai đoạn 2 chỉ mất hơn 5,5 tháng; thời gian lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn 1 khoảng 1 năm rưỡi, ở giai đoạn 2 chỉ là 6 tháng.
Cùng với đó, công tác GPMB các dự án giai đoạn 2 cũng có nhiều đột phá. Trước đây, việc bàn giao cọc GPMB phải trải qua nhiều quy trình, với giai đoạn 2, khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, công tác bàn giao cọc GPMB đã cơ bản hoàn thiện.
“Ước tính, công tác bàn giao cọc GPMB của dự án giai đoạn 2 được rút ngắn gần 1 năm so với thông thường”, ông Thái cho hay.
Mặt bằng quyết định thời gian thi công
Thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến hết tuần đầu tháng 12.2022, các địa phương có tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đi qua đã bàn giao được 426/721,2km, đạt 59%. Tuyến nối cao tốc đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đạt 8,3/25,45km, đạt 33%.
Đối với 12 gói thầu khởi công, theo báo cáo, đến ngày khởi công, các địa phương sẽ bàn giao được 76% diện tích mặt bằng (trừ đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh-Vân Phong, tỉnh Phú Yên dự kiến bàn giao đạt khoảng 62-66%).
Như vậy, đến thời điểm khởi công dự án, các địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng. Song, theo ông Bùi Quang Thái, kết quả đạt được chỉ là thuận lợi trước mắt.
“Bài học từ dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, công tác bàn giao cọc GPMB dự án này được cơ bản hoàn thành vào tháng 4.2019. Tuy nhiên, đến quý II/2022, vướng mắc hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Thực tế đó đòi hỏi công tác GPMB không được chủ quan, cần phải tập trung thực hiện, cần có sự đồng hành và quyết tâm cao từ phía địa phương”, ông Thái chia sẻ.
Được biết, những ngày cuối tháng 12 này, đoàn công tác khảo sát thực địa và kiểm đếm diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các địa phương có cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đi qua do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu vẫn đang tập trung thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán...tại các gói thầu cuối cùng của tuyến cao tốc là đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn và Quy Nhơn-Chí Thạnh, để đảm bảo chủ động khởi công 12 gói thầu đầu tiên tới đây.
Bộ GTVT cũng đã đặt ra mục tiêu khởi công tất cả 13 gói thầu còn lại của 12 dự án thành phần trước ngày 15.1.2023.
Ông Trần Chủng-Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, việc đảm bảo tiến độ khởi công tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia này sau gần 1 năm khảo sát, GPMB thể hiện quyết tâm chính trị lớn của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án giao thông (đơn vị chủ đầu tư) và các nhà thầu được lựa chọn.
“Trước áp lực về quỹ thời gian thi công, chất lượng muốn tốt, nhân lực, thiết bị, vật tư vật liệu phải được kiểm soát, sàng lọc ngay từ đầu. Tức là phải coi trọng tiền kiểm, siết chặt giám sát phương pháp thi công”, ông Chủng góp ý.
Tuy nhiên, ông Chủng lưu ý, bài học từ dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 cho thấy, dự án muốn bứt tốc ngay từ đầu đòi hỏi việc bàn giao mặt bằng phải liên tục, không “xôi đỗ” để đảm bảo các mũi thi công triển khai đồng loạt.
“Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 để không bị lỡ thời gian vàng bứt tốc thi công sau khởi công, sự đồng hành của các địa phương trong đẩy nhanh các thủ tục đến bãi đổ thải, mỏ đất theo hồ sơ mỏ vật liệu phục vụ dự án là rất quan trọng”, ông Chủng nêu ý kiến.
Lo nguồn vật liệu đắp nền khu vực ĐBSCL
Đại diện các Ban QLDA của Bộ GTVT cho biết, liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công, miền Bắc, miền Trung vật liệu thi công luôn được đảm bảo thì với khu vực ĐBSCL có phần căng thẳng hơn.
Cụ thể, đối với đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định về việc khoanh vùng 14 mỏ. Theo đó, tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi tính toán nhu cầu chỉ cần hơn 9,6 triệu m3.
Đối với hai dự án thành phần do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có lợi thế lớn khi được áp dụng cơ chế giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác, tránh được khâu trung gian, nảy sinh tiêu cực. Thách thức lớn nhất thời điểm hiện tại là vật liệu đắp nền đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường đoạn Cần Thơ-Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3. Trong đó, dự án Cần Thơ - Hậu Giang cần khoảng 6,6 triệu m3; Dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần 11,86 triệu m3. Giai đoạn từ 2022-2025, nhiều dự án lớn trong khu vực ĐBSCL cũng được triển khai…dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường.
Dự kiến, mùng 1 Tết Dương lịch 2023 tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức lễ khởi công gói thầu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 tại Quảng Trị. Cùng đó, đồng loạt các gói thầu khác cũng sẽ khởi công và tổ chức thi công ngay./.
(Theo Phi Long/VOV.VN)