Phòng và chống đại dịch HIV/AIDS ở tỉnh Bình Định:
Đã có 318 người chết do AIDS
Theo số liệu ghi nhận được, đến nay, 102/159 xã, phường, thị trấn tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có người nhiễm HIV. Tính từ các ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 9.1993 đến hết ngày 31.6.2014, toàn tỉnh đã phát hiện 912 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 547 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 318 trường hợp tử vong do AIDS.
Phân tích số liệu HIV/AIDS của tỉnh cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS chiếm khoảng 0,058% dân số. Nam giới nhiều hơn nữ (chiếm 73%); tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ có xu hướng tăng lên (năm 2005 chiếm 20,97%, năm 2010: 38,36%, năm 2013: 42,11%). Độ tuổi nhiễm HIV cao nhất là 20-39 (chiếm 67,8%); nguy cơ lây nhiễm qua đường máu giảm (chiếm 40,6%), trong khi lây qua đường quan hệ tình dục tăng cao (chiếm 53,55%).
Nhìn chung, tình hình dịch HIV/AIDS đang ở giai đoạn dịch tập trung, nhưng với sự phát triển kinh tế, xã hội kéo theo tệ nạn ma túy, mại dâm… sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở nhiều đối tượng nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực.
Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và đơn vị địa phương triển khai các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông rộng khắp trên địa bàn tỉnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Trên lĩnh vực dự phòng, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS chú trọng nhiều đến công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện và can thiệp giảm hại; duy trì 95 điểm cung cấp bao cao su và tài liệu truyền thông miễn phí tại các cơ sở vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà trọ thông qua hệ thống cộng tác viên, đồng đẳng viên.
Công tác điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS đã và đang hướng tới mở rộng số người được điều trị ARV. Tăng cường sự phối hợp với phòng khám ngoại trú để nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS trên phạm vi toàn tỉnh. Đẩy mạnh rà soát, tiếp cận, quản lý người nhiễm HIV/AIDS và triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm để người dân sớm được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, để các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được tăng cường đẩy mạnh, rất cần sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... Tăng đầu tư, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động, đồng thời tăng cường ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc thay đổi hành vi, quan tâm và cảm thông với người nhiễm để họ có thể tự tin hòa nhập cộng đồng, góp phần dự phòng lây nhiễm HIV, phấn đấu đạt mục tiêu ba không: “Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS”.
BS NGUYỄN THANH TRUYỀN
(Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)
Qua thống kê, phân tích của TT PC HIV-AIDS tỉnh, nổi lên một sự thật "ngầm" đáng lo ngại nhất, đó là: số người nhiễm HIV mà không phải do quan hệ với người mãi dâm, không phải do tiêm chích ma túy, đang ngày càng tăng lên trong cộng đồng dân cư Bình Định. Đó là do họ quan hệ tình dục không an toàn, không dùng BCS, vì họ chủ quan, tin tưởng bạn tình của mình là "anh ấy, chị ấy an toàn". Họ không ngờ rằng: bạn tình của họ thấy vậy mà cũng lăng nhăng, quan hệ lung tung mà họ không hề biết. Và một trong số những lần quan hệ lăng nhăng đâu đấy đã dính HIV vào người mà bản thân anh ấy, chị ấy cũng không biết là mình đã nhiễm HIV, nên cứ vô tư bồ bịch, trai gái và lây truyền HIV cho những người khác. Mới đây tại TP.Quy Nhơn, xôn xao 1 vụ về một chị xinh gái chết do AIDS, để lại một danh sách các chàng mà nàng đã có quan hệ tình dục. Và tất nhiên, các chàng này đang sống trong nỗi sợ hãi trong lòng và đang tìm đến một tỉnh khác để xét nghiệm HIV ...! Cảnh báo với mọi người vậy !