Tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Những vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc tập thể xảy ra gần đây gây nhiều lo ngại, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cần được quan tâm nhiều hơn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Văn Trương, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh xung quanh vấn đề này.
* Từ tháng 3 đến tháng 6.2014, ở tỉnh ta xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm. Xin ông cho biết thông tin cụ thể và công tác xử lý của ngành Y tế đối với các vụ ngộ độc nói trên.
- Tháng 3.2014, tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 2 nạn nhân do thức ăn ôi thiu tại gia đình. Ngày 20.6, có 17 người bị ngộ độc/285 người ăn tại 13 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn và được nhập viện điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP, TTYT Dự phòng tỉnh và TTYT huyện Hoài Nhơn điều tra. Nhưng do các cơ sở thức ăn đường phố đều là cơ sở nhỏ lẻ, chỉ kinh doanh buổi sáng, không lưu mẫu thực phẩm nên không thể lấy được các mẫu thực phẩm được bán trong ngày mà chỉ lấy được các mẫu que tăm bông quét bàn tay người trực tiếp chế biến tại các cơ sở và bệnh phẩm của các bệnh nhân nhập viện điều trị. Vì thế, thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm không được xác định rõ ràng, mà chỉ nghi ngờ thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
Vụ ngộ độc thực phẩm ngày 26.6 với 77 người mắc/688 người ăn tại bếp ăn tập thể của Công ty CP May Tây Sơn (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn và được nhập viện điều trị tại BVĐK khu vực Phú Phong. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm từ người bệnh và người trực tiếp chế biến tại nơi xảy ra ngộ độc để kiểm nghiệm. Qua điều tra và kiểm nghiệm cho thấy, món rau muống xào trong bữa cơm trưa 25.6 đã nhiễm vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus.
Nhờ công tác chuẩn bị tốt, bệnh nhân của 2 vụ ngộ độc trên được ngành Y tế tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời và đều xuất viện sau 1-2 ngày điều trị, không có tử vong.
* Qua việc xử lý các vụ ngộ độc tập thể, xin ông cho biết những bài học rút ra, đặc biệt là trong công tác phối hợp giữa các đơn vị?
- Qua việc xử lý các vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn huyện Tây Sơn và Hoài Nhơn, chúng tôi nhận thấy chỉ đạo của Sở Y tế cho các đơn vị chức năng liên quan ngay khi tiếp nhận thông tin là nhanh chóng, triệt để. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc xử lý, điều tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu cho đến công tác thu dung, cấp cứu, điều trị… nhìn chung triển khai đồng bộ, kịp thời. Việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng từ khi sự việc xảy ra đến khi có kết luận là nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định.
Tuy nhiên, riêng vụ ngộ độc thực phẩm tại Hoài Nhơn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp, điều tra và báo cáo, như lấy mẫu không đúng, gửi mẫu nhưng không có yêu cầu định hướng xét nghiệm, báo cáo chưa kịp thời đến người có trách nhiệm… Sở Y tế đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm những việc đã làm được cũng như những tồn tại, hạn chế của các đơn vị qua 2 vụ ngộ độc thực phẩm này.
* Xin ông cho biết thông tin về các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, ngành sẽ có biện pháp gì để các bếp ăn tập thể này an toàn hơn?
- Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 279 cơ sở bếp ăn tập thể; trong đó, 104 cơ sở tuyến tỉnh quản lý, 175 cơ sở tuyến huyện quản lý. Từ năm 2012 đến nay, ngành Y tế vẫn duy trì việc ký bản cam kết bảo đảm ATVSTP với các bếp ăn tập thể có quy mô trên 200 suất ăn/ngày (49/104 bản cam kết đối với các bếp ăn tập thể) và 3.853 cam kết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Với các bếp ăn tập thể, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục ATVSTP phối hợp TTYT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp tuyên truyền về công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thanh, kiểm tra chuyên ngành việc bảo đảm ATVSTP của các bếp ăn có quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp và của người trực tiếp chế biến thực phẩm. Kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý các cơ sở vi phạm.
* Sắp tới, ở tỉnh ta sẽ có nhiều sự kiện lớn, đông người tham dự. Việc đảm bảo VSATTP sẽ được chú trọng như thế nào, thưa ông?
- Từ đây đến cuối năm 2014, tỉnh ta có nhiều sự kiện lớn như Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền, các hội thảo khoa học quốc tế, Đại hội các dân tộc thiểu số, Lễ hội kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão… với nhiều người tham gia. Trước nguy cơ mất ATVSTP vẫn còn tiềm ẩn, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP và TTYT các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để hướng dẫn các biện pháp đảm bảo VSATTP tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là các địa điểm diễn ra các sự kiện, các điểm tham quan, du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Thông tin về tình hình vi phạm của các cơ sở cũng như biểu dương các cơ sở chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực VSATTP cũng được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với mỗi sự kiện lớn của tỉnh, ngành Y tế đều có kế hoạch, phương án đảm bảo công tác y tế và VSATTP cụ thể để các đơn vị triển khai thực hiện.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)