Thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cuộc đời
Với lối tư duy mới, hiện đại, văn minh hơn, nhiều nữ sinh người dân tộc thiểu số có những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Các bạn nói không với hủ tục lạc hậu, quyết tâm học tập, rèn luyện bản thân, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói không với hủ tục
Tảo hôn là một trong những hủ tục ảnh hưởng lớn nhất đến các nữ sinh; tác động tiêu cực đến sức khỏe, khiến tương lai bấp bênh. Khi đang học lớp 9, Đinh Thị Nga (SN 2002, dân tộc Bana, ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân; hiện là sinh viên lớp CĐ K14 Công nghệ - Thông tin, khoa Điện tử - tin học, Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Quy Nhơn) chứng kiến nhiều bạn nữ cùng trang lứa dần kết hôn, sinh con; cha mẹ Nga cũng mai mối, muốn Nga cưới chồng.
Nga cùng bằng khen “Sinh viên 5 tốt” năm học 2020 - 2021 do Tỉnh đoàn trao tặng. Ảnh: NVCC
“Ở quê tôi, người lớn thường có quan niệm cho con tiền sắm vàng, làm của hồi môn cưới chồng tốt hơn nhiều so với việc cho con ăn học. Ngoài ra, cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đấy, nhất là con gái. Với họ, con gái không cần học nhiều, chỉ cần lập gia đình, lo cho chồng con thôi”, Nga kể.
Tương tự, chứng kiến nhiều bạn bè mình gác lại sách vở, lấy chồng khi tuổi mới 16 - 17, sau đó lại tâm sự về khó khăn khi lấy chồng quá sớm, Vũ Thị Tâm (SN 2005, dân tộc Bana, ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh; học sinh lớp 12A4 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định) trăn trở nhiều về hủ tục tảo hôn. “Lấy chồng khi tâm lý chưa sẵn sàng, các bạn phải gánh vác việc nội trợ, làm lụng để trang trải cho gia đình nên chịu nhiều cú sốc và áp lực. Nhìn vào đó, em nhận ra, hủ tục này cần được xóa bỏ và tự dặn bản thân thay vì lập gia đình khi chưa đủ tuổi, em cần học tập, rèn giũa bản thân để hướng đến cuộc sống hạnh phúc hơn”, Tâm chia sẻ.
Không chỉ tảo hôn, bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của các nữ sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Tận mắt chứng kiến người thân chịu thiệt thòi vì điều này, em Đinh Thị Mỹ Loan (SN 2005, dân tộc Bana, ở thị trấn An Lão, huyện An Lão; học sinh lớp 12A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định) tâm sự: “Ngay từ nhỏ, em đã biết nỗi lòng của những phụ nữ trong gia đình khi phải làm nhiều việc vất vả hơn, hoặc có người dù không muốn nhưng vẫn phải cưới chồng sớm… Điều này khiến em buồn và mong sao nữ giới, nhất là những phụ nữ người DTTS được đối xử bình đẳng hơn”.
Tâm (trái) và Loan (phải) cùng đọc sách, trao đổi kiến thức sau giờ học. Ảnh: D.L
Sống tốt hơn với nếp nghĩ mới
Khao khát một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, những nữ sinh DTTS từng bước vượt qua nếp nghĩ cũ. Thay vì “buộc mình” với quan niệm lạc hậu, các em quyết tâm vươn lên, gạt bỏ định kiến, dốc sức học tập, theo đuổi đam mê.
Quyết định sống xa gia đình, làm quen với môi trường mới để rèn luyện bản thân và tiếp cận với nếp sống hiện đại, Vũ Thị Tâm ngày càng tự tin, dám nói lên suy nghĩ của mình. Cô nàng còn là gương mặt quen thuộc trong các chương trình ngoại khóa, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi TDTT do trường tổ chức và được cử tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh.
Tâm bày tỏ, nhờ việc tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, có nhiều kiến thức bổ ích, Tâm càng thêm tin rằng, nữ giới cũng có quyền được thể hiện mình và cần được khuyến khích nếu mong muốn được trau dồi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai, thay vì nhắm mắt đưa chân theo những lề lối đã cũ. Nhờ vậy, cô nữ sinh nhỏ nhắn như được tiếp thêm động lực phấn đấu, chinh phục ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục ngành CA.
Tâm chia sẻ: “Ngoài giờ học trên lớp, em thường tự học đến khoảng 23 giờ hằng ngày để nắm chắc bài vở. Bên cạnh đó, em tìm thêm tài liệu, hướng dẫn trên mạng để củng cố kiến thức. Em nghĩ, càng cố gắng bao nhiêu, cuộc sống sau này của em sẽ càng tốt đẹp hơn bấy nhiêu”.
Tương tự, lựa chọn theo đuổi con đường học vấn dù người thân và bạn bè không thực sự ủng hộ, Nga gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, cô bạn nỗ lực để gạt bỏ định kiến. Năm học 2020 - 2021, Nga đạt danh hiệu “Sinh viên giỏi” cấp trường, “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh và được Tỉnh đoàn tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thanh niên… Không những thế, Nga còn thường xuyên hiến máu, tham gia hoạt động tình nguyện ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
“Em từng đối mặt với nhiều định kiến vì là người DTTS. Vì muốn chứng minh với gia đình rằng em hoàn toàn có thể sống tốt hơn, hạnh phúc hơn với lựa chọn của mình nên em luôn cố gắng từng ngày. Với em, không gì hạnh phúc hơn việc được tự mình quyết định cuộc sống”, Nga trải lòng.
DƯƠNG LINH