Nông dân Nguyễn Ngọc Sang: Thành công đến từ tinh thần ham học hỏi và lòng kiên trì
Nông dân Nguyễn Ngọc Sang được nhiều người biết đến từ thành công của mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới mẻ, độc đáo. Không chỉ vậy, ông còn tích cực giúp đỡ những nông dân khác cùng vượt khó, vươn lên khá giả.
“Sống chết” với lựa chọn của mình
Ông Nguyễn Ngọc Sang có trang trại rộng 3 ha, kết hợp hiệu quả các mô hình chăn nuôi (heo, bò, gà, vịt), trồng trọt (cây điều); từ năm 2018 đến nay đạt lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng/năm.
* Hơn 20 năm gắn bó với chăn nuôi, trồng trọt, để có được thành công “trong mơ” như hiện nay, theo ông đâu là những yếu tố quyết định?
- Trước hết là sự cầu tiến, ham học hỏi, chọn hướng đi mới cho riêng mình.
Cách đây khoảng 8 năm, tôi được tham quan, tìm hiểu mô hình chăn nuôi heo khép kín theo hướng an toàn sinh học, trùng với ý tưởng mình ấp ủ. Thế là vợ chồng tôi gom hết tiền tích góp, vay mượn thêm để đầu tư trang trại nuôi heo theo hướng này. Đến nay, chăn nuôi heo vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình tôi.
Vợ chồng tôi còn quyết định nuôi 500 con vịt xiêm lai Pháp, khi trong tỉnh chưa có mấy người nuôi. Nuôi vịt để bán trứng cho các lò ấp trứng, bán con giống cho người có nhu cầu chăn nuôi. Nguồn thu từ bầy vịt cũng được gần 300 triệu/năm. Hay như sau nhiều năm trồng điều, tôi đã chuyển sang trồng dừa xiêm, mít Thái, bưởi, ổi.... để “thử sức” thêm trong lĩnh vực trồng trọt.
* Nói lý thuyết bao giờ cũng dễ, còn làm sao để thành công trong thực tế mới khó…
- Với tôi, có những ngày tháng không thể nào quên. Khi đầu tư trang trại nuôi heo, giá heo thịt lúc đó cũng bình thường, theo tôi tính toán, nếu giá heo có giảm đến khoảng 20% thì vẫn có lời. Ngờ đâu, khi mình bắt đầu có số lượng lớn heo thịt xuất bán năm 2017, giá heo hơi cả nước “rơi tự do”, có lúc giảm gần 50%, khiến tất cả người chăn nuôi heo lao đao. Ở xã tôi, có những hộ chăn nuôi thả cho heo đi, bỏ chuồng trống, chán nản không dám nuôi nữa vì lỗ nặng...
Thời điểm đó, hai vợ chồng tôi lo đến bạc đầu. Vợ tôi có những đêm mới chợp mắt lại giật mình ngồi dậy thảng thốt: “Tiền đâu ngày mai mua cám cho heo ăn?!”. Rồi có những đêm mưa tầm tã, vợ tôi vẫn lặn lội đi khắp nơi để mượn tiền... Tôi rất trân trọng, tri ân sự chia sẻ của anh em họ hàng, những người thấy được quyết tâm bám trụ đến cùng của vợ chồng tôi mà cho vay mượn, đưa cả sổ đỏ nhà đất để thế chấp vay vốn ngân hàng... Cố gắng hết sức giữ khẩu phần ăn cho heo theo đúng công thức, liều lượng, nên heo vẫn đẻ đều; vợ chồng tôi mượn thêm các chuồng trống của anh em để nuôi heo con.
Khi giá heo “nhỏm dậy” dần, rồi tăng cao hơn các năm sau đó, vợ chồng tôi có sẵn được lượng lớn heo có chất lượng tốt để bán, nhanh chóng trả nợ. Khi chốt sổ trả hết nợ vào năm 2018, tổng cộng đến 3,9 tỷ đồng, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt khi vượt qua “hố sâu” nợ nần tứ phía.
Ông Nguyễn Ngọc Sang (bìa phải) tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 tại TP Hà Nội. Ảnh: petrotimes.vn
Ghi nhớ sự đồng hành, giúp đỡ của Hội Nông dân
* Là hội viên Chi hội Nông dân thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, trên con đường trở thành tỷ phú của mình, hai chữ “hội viên” có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Là hội viên nông dân, tôi có thêm điều kiện được học hỏi, định hướng về chăn nuôi, trồng trọt; được động viên tinh thần, hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn và khuyến khích hướng đi mới để vượt khó làm giàu.
Ông Nguyễn Ngọc Sang sinh năm 1971, ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Ông nhiều lần đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; năm 2019 được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ngày 9.11.2022, Chủ tịch nước có quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho người nông dân xuất sắc tiêu biểu này.
Tôi bắt đầu trồng trọt và chăn nuôi ở trang trại diện tích 3 ha tại địa phương cách đây hơn 20 năm. Được tập huấn về KHKT, nhưng gia đình tôi lúc đó còn nhiều khó khăn, khao khát nguồn vốn, may mắn được Hội Nông dân xã Cát Hiệp kịp thời hướng dẫn cách thức để vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện. Từ nguồn vốn vay, vợ chồng tôi mua thêm gà để nuôi và đầu tư cho diện tích 3 ha đất trồng điều. Tôi luôn khắc ghi trong lòng sự hỗ trợ rất thiết thực này.
Khi cây điều còn nhỏ, vợ chồng tôi lấy ngắn nuôi dài như trồng mỳ xen với đậu phộng và nuôi bò. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mà Hội Nông dân huyện, tỉnh đã tập huấn, cùng sự giúp đỡ của cán bộ Khuyến nông huyện, xã, hiệu quả sản xuất của gia đình tôi luôn vượt trội so các hộ nông dân khác trong vùng. Thành công ban đầu này tạo nền tảng quan trọng để vợ chồng tôi gắn bó với chăn nuôi, trồng trọt cho đến hôm nay.
*Như vậy, bên cạnh được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, việc được tập huấn về KHKT thật sự có ý nghĩa đối với ông?
- Đúng vậy. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên tôi chỉ học đến hết lớp 9. Khi được tạo điều kiện, tôi luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, học tập những kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ KHKT mới. Ngoài ra, tôi còn học hỏi thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mô hình hiệu quả trong và ngoài huyện để về áp dụng cho gia đình. Những năm qua, tôi đã có nhiều biện pháp, giải pháp mang lại năng suất cao trong sản xuất. Cũng nhờ có sự quan tâm của các cấp hội, địa phương, tôi vinh dự được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 tại TP Hà Nội.
* Nhiều trang trại nuôi heo khác thường dùng lao động gia đình hoặc thuê lao động phổ thông. Trong khi đó, trang trại của ông lại có các lao động được đào tạo bài bản…
- Trang trại của tôi hiện có 5 lao động là người ở xa đến, đều tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học chuyên ngành chăn nuôi, cùng chăm sóc hơn 100 heo nái sinh sản, 700 heo thịt… Tôi sẵn sàng trả lương cho lao động có chuyên môn cao với mức gần gấp đôi lao động bình thường, bởi việc này chỉ có lợi hơn về kinh tế, đồng thời mình cũng có thể học hỏi thêm kiến thức từ họ. Người có chuyên môn tính toán khẩu phần ăn, thuốc, theo dõi bệnh, đỡ đẻ cho heo cũng khoa học, tiết kiệm, hiệu quả hơn nhiều so với lao động bình thường.
Những năm qua, tôi thường tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chuyên ngành chăn nuôi của các trường ở Bình Định, Huế, Quảng Nam đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm thực tế. Qua đó, cũng mong muốn các cháu sau này hỗ trợ cho người chăn nuôi chúng tôi đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Sang tại trang trại heo của mình. Ảnh: NVCC
Giúp người khác là lẽ thường tình
* Được biết, ngoài việc sản xuất kinh doanh giỏi, ông còn tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, ủng hộ cho cộng đồng?
- Tôi thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật mà mình đã có được cho bà con xung quanh; giúp những hộ nghèo, khó khăn nỗ lực vươn lên; cho mượn vốn đối với những trường hợp cần thiết. Mỗi năm, gia đình tôi giúp từ 10 - 12 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, gia đình tôi còn tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đóng góp hơn 20 triệu đồng để xây dựng các tuyến đường bê tông xi măng liên xóm ở thôn Tùng Chánh. Hằng năm, còn ủng hộ hàng chục triệu đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Hỗ trợ nông dân, hỗ trợ thanh niên lên đường nhập ngũ, hỗ trợ phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao ở thôn. Năm 2021, gia đình tôi đã hỗ trợ hơn 30 triệu đồng cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Gia đình tôi trải qua gian khó mới có được ngày hôm nay nên đóng góp, giúp đỡ người khác là sự đồng cảm, là lẽ thường tình.
* Xin cảm ơn ông. Chúc ông tiếp tục gặt hái thành công trong sản xuất kinh doanh.
HOÀI THU (Thực hiện)