Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia
(BĐ) - Sáng 25.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, Đại tướng Tô Lâm...
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại điểm cầu Bình Định, chủ trì có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang. Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Kết quả 1 năm thực hiện Đề án 06 cho thấy, nhận thức và hành động về CĐS quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, DN kịp thời, hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu CĐS. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.
Bộ CA đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021). An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; các DN Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng…
Tại Bình Định, qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh đã củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Bình Định là một trong 20 tỉnh/thành phố trong toàn quốc đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. Ngoài ra, sau 1 năm, Bình Định đã triển khai thực hiện 23/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, DN; thu thập, rà soát, đồng bộ trên 1,8 triệu nhân khẩu thường trú vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hơn 1,3 triệu người được cấp căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và giao dịch, góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến, đồng thời biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS với vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, DN.
Thủ tướng nêu rõ: Năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ CĐS quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân, DN phát triển. CĐS phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN. Người dân, DN thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Các bộ, ban, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai chương trình CĐS quốc gia và Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, thực chất, hiệu quả. “Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI