KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ÐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12.1972 - 12.2022)
Chiến thắng lịch sử và bài học nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ Tổ quốc
Cách đây tròn 50 năm, chỉ vỏn vẹn 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, làm nên trận “Ðiện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Chiến thắng lịch sử ấy để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Choáng váng kẻ thù, chấn động thế giới
Từ ngày 18 - 29.12.1972, Mỹ đã sử dụng 726 lượt máy bay chiến lược B52, gần 2.000 lượt máy bay ném bom chiến thuật ở miền Bắc. Riêng trên địa bàn Hà Nội, có 444 lượt B52 xuất kích và hơn 1.000 lượt máy bay chiến thuật; ném xuống Hà Nội khoảng hơn 10.000 tấn bom, giết chết 2.380 người, làm bị thương 1.355 người.
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu
Cũng trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã dũng cảm, kiên cường lập nên chiến công hiển hách, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề: 84 máy bay (trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111) của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, 43 giặc lái bị bắt sống. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 23 máy bay B52 của Mỹ.
Nói về tầm vóc to lớn của chiến thắng vẻ vang này, dư luận thế giới gọi đây là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, chấn động thế giới.
Trên Tạp chí “Không lực Hoa Kỳ”, Phó Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận: Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
Xác máy bay B52 bị bắn rơi vào hồi 23 giờ ngày 27.12.1972 tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
7 giờ 30 phút ngày 30.12.1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm thất bại toàn bộ các mục tiêu chiến lược phía Mỹ đặt ra. Đặc biệt, không những không đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân và dân ta, mà còn làm tăng thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, làm sụp đổ “thần tượng không lực Hoa Kỳ”, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên CNXH trên thế giới.
Không bị bất ngờ trong mọi tình huống
Chiến tranh đã dần lùi xa, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đến nay vẫn mang nhiều ý nghĩa thiết thực.
Thứ nhất, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các LLVT nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề mang tính tiên quyết cho sự thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thứ hai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải nhận thức một cách rõ ràng về những âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thứ ba, tăng cường sự đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong các LLVT và trong các tầng lớp nhân dân là nội lực vô cùng quan trọng để đánh và thắng mọi kẻ thù. Bên cạnh đó là tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chủ động, sáng tạo từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và nhân dân ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không để Tổ quốc bị bất ngờ, ra sức bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo.
Thứ năm, thực hiện tốt mục tiêu chung của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.
Tự hào những phi công Hoài Nhơn trên bầu trời Hà Nội
Trong thắng lợi vẻ vang của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 50 năm trước, thật tự hào khi xứ Dừa Hoài Nhơn có đến 4 phi công trực tiếp tham chiến và góp công lớn. Đó là thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Hồng Nhị (1936 - 2021, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927, Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân); đại tá Đinh Tôn (1936 - 1980, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921); đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Chuyên (SN 1932, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân); thượng úy, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Biên (1934 - 1966, nguyên Trung đội trưởng bay, Đại đội 1, Trung đoàn 923).
Trong đó, đáng chú ý là trong cuộc đời chiến đấu của mình, thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị đã xuất kích hơn 100 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ; là sư đoàn trưởng duy nhất trong Quân chủng Không quân được phong hàm thiếu tướng vào năm 1985.
MAI LÂM - TÙNG LÂM