Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ xây dựng pháp luật tháng 12
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phát chiến lược, là trọng tâm ưu tiên được Chính phủ tập trung đầu tư, quyết liệt tổ chức thực hiện.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12.2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 26.12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12.2022.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phát chiến lược, là trọng tâm ưu tiên được Chính phủ tập trung đầu tư, quyết liệt tổ chức thực hiện. Năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, chính sách, cho ý kiến, thông qua đối với 40 dự án, đề nghị xây dựng luật, số lượng phiên họp, dự án, đề nghị luật nhiều nhất trong những năm qua.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có bước chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, ngày càng chuyên nghiệp, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều vấn đề cần làm để hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Việc xây dựng các Luật nhằm tháo gỡ nút thắt mà thực tiễn đặt ra; những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định điều chỉnh; vấn đề thực tiễn đặt ra, có quy định song không còn phù hợp. Trước phiên họp này, các dự án luật đã được các bộ, cơ quan chủ trì tập trung dự thảo, tuân thủ các quy trình, quy định.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục góp ý kiến, tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
(Theo TTXVN/Vietnam+)