Tín dụng chính sách đã kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội
(BĐ) - Sáng 29.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ. Tại điểm cầu UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và đại diện các sở, ngành dự Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và đại diện các sở, ngành dự Hội nghị.
Theo đánh giá tại Hội nghị, qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã đạt kết quả quan trọng. Đến ngày 30.11.2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng so với năm 2002. Nguồn vốn TDCS đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, tạo thuận lợi cho 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay trên 830 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn TDCS đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 6 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập đi học; hỗ trợ xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước. Tuy vậy, nguồn lực để thực hiện TDCS xã hội vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển KT - XH.
Tại Bình Định, đến ngày 30.11, tổng nguồn vốn TDCS đạt 5.556 tỷ đồng, tăng 5.552 tỷ đồng so với cuối năm 2002. Hiện nay, TDCS đã và đang triển khai thực hiện trên 17 chương trình, tổng dư nợ đạt 5.538 tỷ đồng với hơn 99.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Doanh số cho vay từ đầu năm 2002 đến nay đạt 16.715 tỷ đồng, với hơn 736 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng đã giúp hơn 121 nghìn hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 85.000 lao động; góp phần giảm số xã thuộc vùng khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả quan trọng qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ; ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai TDCS đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình TDCS.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương cần phải xác định rõ TDCS xã hội là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh KT - XH của đất nước. Từ đó, tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách TDCS phù hợp với mục tiêu phát triển KT - XH của đất nước. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn TDCS xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục; tổ chức tốt hoạt động cho vay gắn với kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả.
TIẾN SỸ