Y tế cơ sở, dự phòng còn nhiều vướng mắc, bất cập
Ðoàn ÐBQH tỉnh đã hoàn thành đợt giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” của tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy, công tác phòng, chống dịch được thực hiện tốt; hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Hạn chế về nhân lực
Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhân lực y tế cơ sở được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo đúng quy định, số lượng đã tăng từ 2.693 người năm 2018 lên 3.013 người năm 2022, chiếm 53% nhân lực ngành y tế do Sở Y tế quản lý. Trong đó, chủ yếu tăng ở tuyến huyện; nhân lực tại tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn chưa đủ theo số biên chế sự nghiệp được giao hằng năm; đặc biệt là bác sĩ còn rất thiếu, không có bác sĩ chính quy làm việc tại trạm y tế phường, xã…
Người dân khám bệnh tại TTYT TP Quy Nhơn. Ảnh: H.THU
TTYT huyện Tây Sơn có 4 phòng và 15 khoa (12 khoa hệ điều trị, 3 khoa hệ dự phòng), hiện có 41 bác sĩ tuyến huyện. Theo Phó Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn Huỳnh Bá Thịnh, đơn vị đang thiếu bác sĩ, đặc biệt có những khoa chỉ có 1 bác sĩ có đủ điều kiện khám chữa bệnh (về chuyên khoa, chứng chỉ hành nghề…), nên số lượt khám bệnh tại các bàn khám vượt định mức quy định; không giải quyết được ngày nghỉ bù, nghỉ phép cho bác sĩ.
Bên cạnh đó, định biên của trạm y tế xã, phường còn thấp, nhiều năm qua thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, với 5 - 10 biên chế/trạm, tùy theo đặc điểm địa lý, KT-XH, quy mô dân số. Bác sĩ Trà Văn Trinh, Trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho biết: “Hiện phường có hơn 37.000 dân, đông gấp nhiều lần so với nhiều phường, xã khác của thành phố, nhưng cũng chỉ có 10 nhân viên y tế. Chúng tôi luôn phải gánh áp lực công việc rất lớn, gây khó khăn thực hiện các nhiệm vụ y tế cộng đồng”. Về việc này, UBND tỉnh có kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nội vụ xem xét ban hành thông tư hướng dẫn định mức biên chế cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Thông tư số 08/2007.
Việc đào tạo nguồn nhân lực về y tế dự phòng chưa có định hướng rõ ràng, cụ thể; bác sĩ y học dự phòng có phạm vi hoạt động chuyên môn rất hạn chế. Theo Giám đốc TTYT Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu, thời gian qua, đơn vị nỗ lực thu hút, tạo điều kiện cho nhiều bác sĩ y học dự phòng về làm việc tại các trạm y tế phường, nhưng lại vướng quy định họ không được khám chữa bệnh ở trạm, chỉ có y sĩ thực hiện nhiệm vụ này.
Việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ sau đại học cũng khó khăn, hạn chế; vì thiếu bác sĩ, nếu cử người đi đào tạo thời gian dài thì không có người làm việc, có khi chuyên khoa đó phải bỏ trống. Các địa phương, TTYT kiến nghị cần có các văn bản hướng dẫn dưới luật phù hợp; xem xét sửa đổi thời gian thực hành và phạm vi hoạt động chuyên môn đối với bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, y học dự phòng… theo hướng giảm thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề. Xem xét sửa đổi quy định đối với chức năng, nhiệm vụ của bác sĩ y học dự phòng ở tuyến xã, phường theo hướng cho phép họ được thực hiện khám chữa bệnh trong một số trường hợp.
Bất cập về cơ chế tài chính
Kết quả giám sát cũng cho thấy, kinh phí chi cho y tế cơ sở còn hạn chế. Kinh phí thu từ nguồn khám, chữa bệnh hằng năm không nhiều, không đảm bảo cho hoạt động của y tế cơ sở. Công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, các TTYT cấp huyện đã tham gia công tác phòng, chống dịch của địa phương, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh. Dịch kéo dài dẫn đến nguồn thu giai đoạn 2020 - 2022 sụt giảm nghiêm trọng, không đảm bảo cho công tác chi thường xuyên của đơn vị, nhưng hiện nay Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cơ chế hỗ trợ.
Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo cân bằng thu chi. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào mang tính đặc thù quy định về cơ chế tài chính của y tế cơ sở được ban hành, nên trong thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với mô hình TTYT đa chức năng như hiện nay.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các thông tư hướng dẫn chưa đề cập đến việc tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Vấn đề quan trọng “phát sinh” này được Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nêu ra trong buổi làm việc của đoàn giám sát với UBND tỉnh ngày 28.12. Cụ thể, thực hiện theo Nghị định 60 có thể sẽ “vừa làm vừa sửa”, khi các TTYT cấp huyện có khối điều trị bệnh viện tạo nguồn thu chủ yếu sẽ phải “gánh cả” phần chi cho trạm y tế xã, khối y tế dự phòng và dân số… Gộp tất cả lại, tính tổng thu - chi của TTYT ra tỷ lệ tự chủ tài chính xong, nếu thiếu thì ngân sách mới phải bù vào.
Từ ngày 1.1.2023 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25- KL/TW của Bộ Chính trị; từ ngày 1.7.2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo ông Hùng, các khoản gánh thêm, tăng thêm trong năm 2023 được chi từ nguồn thu khối điều trị bệnh viện có thể khiến khối này “sập luôn” trong tình hình khó khăn như hiện nay.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh - Trưởng Đoàn Giám sát, rất quan tâm đến vấn đề do Giám đốc Sở Y tế đặt ra. “Sắp tới tăng lương, phụ cấp thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ y tế, bây giờ lại phát sinh vấn đề này. Đề nghị Sở Y tế có báo cáo cụ thể, làm rõ hơn để Đoàn ĐBQH tỉnh tìm hiểu thêm, có kiến nghị cụ thể”, bà Hạnh yêu cầu.
HOÀI THU