Vở ca kịch bài chòi “Bộ cảnh phục”: Ca ngợi người chiến sĩ công an
Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) vừa diễn báo cáo tổng duyệt vở ca kịch bài chòi Bộ cảnh phục (còn có tên gọi khác là Trả lại tên em, tác giả kịch bản Ðỗ Ðức Trung, tác giả chuyển thể bài chòi NSƯT Tấn Hào, đạo diễn NSND Hoài Huệ).
Bộ cảnh phục lấy bối cảnh câu chuyện tại một tỉnh biên giới, xoáy sâu vào chủ đề chính ca ngợi hình tượng các chiến sĩ công an phòng, chống tội phạm ma túy - với hình ảnh nhân vật trung úy Lê Thanh và người chồng sắp cưới tên Tú cũng là chiến sĩ công an, cùng đồng đội của mình sẵn sàng hy sinh để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; đồng thời, phản ánh về nghịch cảnh của gia đình nhân vật vợ chồng trùm buôn ma túy là ông Lưu và bà Mơ khiến con cái hư hỏng khi dính vào ma túy.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Bộ cảnh phục. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vở diễn mở ra với cảnh lực lượng CAND phục kích, truy bắt một đối tượng buôn bán ma túy. Từ đó, điều tra ra một đường dây buôn bán ma túy lớn được thể hiện qua các lớp kịch tiếp nối màn khai từ, cuốn hút khán giả theo dõi vở diễn.
NSND Hoài Huệ cho biết: Kịch bản chính có 5 lớp diễn, tôi đã dựng thêm 3 lớp nữa, nêu bật thảm cảnh của gia đình ông Lưu, bà Mơ khi hai con trai là Huy và Lê đều trở thành con nghiện. Huy là trợ thủ đắc lực của cha mẹ tham gia buôn bán ma túy, rồi bị nhiễm HIV/AIDS, tìm đến bờ sông để kết liễu cuộc đời - nhưng được thức tỉnh bởi một người vô gia cư sống bằng nghề nhặt phế liệu kiếm sống bên bờ sông. Còn Lê không thiết tha việc học, dẫn bạn bè trong lớp đến vũ trường ăn chơi, hút chích, rồi đua xe. Là trùm buôn bán ma túy, vợ Lưu - Mơ cũng có nhiều thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi để điều hành đường dây chuyên gieo rắc “cái chết trắng”…
Chuyên trị các vai đào bi, đào mùi, lần này được giao vai bà Mơ trong vở diễn - một vai diễn cá tính đào lệch bi, nghệ sĩ Thùy Dung chia sẻ: Tôi từng diễn vai rất giàu cá tính là Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong vở tuồng lịch sử Thanh gươm công lý. Lần này cũng được giao vai tương tự nhưng về đề tài xã hội hiện đại, tôi phải cố gắng rất nhiều để đặc tả được đây là một “bà trùm” với nhiều góc cạnh cá tính, nhiều sắc độ biểu cảm khác nhau thông qua cả kỹ thuật biểu diễn trong lời thoại, động tác của nhân vật…
Để triệt phá đường dây buôn bán ma túy này, lực lượng công an đã cài cắm trung úy Lê Thanh (nghệ sĩ Bích Lĩnh thủ vai) vào gia đình ông Lưu, bà Mơ làm người giúp việc để điều tra, cung cấp nhiều bằng chứng quan trọng cho đồng đội của mình phá án.
Lần đầu tiên được giao vai chính trung úy Lê Thanh, nghệ sĩ Bích Lĩnh đã diễn tốt, làm toát lên sự quả cảm của nữ chiến sĩ CAND khi vào tận hang ổ của bọn tội phạm, rồi bị làm nhục, đến khi phá được chuyên án phải hy sinh. Dù mang nỗi đớn đau khi không còn trong trắng, nhưng nữ chiến sĩ công an đã không chùn bước, thậm chí đánh đổi cả tính mạng của mình quyết tâm bảo vệ chuyên án thành công.
Bên cạnh nêu cao tinh thần dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh của người chiến sĩ công an, vở diễn cũng đã chuyển tải thông điệp về kết cục của những kẻ làm ăn phi pháp, kiếm tiền từ buôn bán ma túy dẫn đến cảnh gia đình tan nát và bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.
“Kết thúc vở diễn là cảnh một đám cưới đẹp diễn ra trong giấc mơ giữa nữ trung úy Lê Thanh và Tú trong bộ cảnh cảnh phục CAND như lời hẹn ước trước khi triển khai chuyên án - đôi vợ chồng trẻ nở nụ cười hạnh phúc bên những người đồng đội. Dù đã hy sinh, người nữ chiến sĩ ấy vẫn sống mãi trong ký ức của người thân, của đồng đội, của nhân dân. Đây cũng chính là điểm nhấn của vở diễn ca ngợi hình tượng người chiến sĩ CAND trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy đầy cam go, khốc liệt”, NSND Hoài Huệ chia sẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN