TĂNG TỶ LỆ TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO HỌC SINH:
Cần sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế và giáo dục
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và từ 12 - dưới 18 ở tỉnh Bình Định khá thấp, chỉ đạt hơn 60%. Bên cạnh một số địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng này, vẫn có những địa phương đạt kết quả khá tốt nhờ cách thức tổ chức bài bản, khoa học và quyết liệt.
Theo thống kê của Sở Y tế, các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho các trường hợp từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp (khoảng 40 - hơn 60%) là Quy Nhơn, Tây Sơn, An Lão, Phù Mỹ. Các địa phương có tỷ lệ tiêm đạt khá tốt (từ 70 - hơn 80%) gồm: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh.
Huyện Tuy Phước là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và 12 - dưới 18 tuổi khá tốt.
- Trong ảnh: Nhân viên y tế sàng lọc, thăm hỏi sức khỏe trẻ trước khi tiêm vắc xin. Ảnh: T. YÊN
Nhiều lý do dẫn tới tỷ lệ tiêm vắc xin thấp
Khó khăn chung của các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 12 - dưới 18 tuổi và trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp là: Phụ huynh thấy dịch bệnh đã ổn, mọi hoạt động đã trở về trạng thái bình thường nên không muốn cho trẻ tiêm nữa vì sợ tác dụng phụ, ảnh hưởng sức khỏe; trẻ đau ốm tại thời điểm triển khai tiêm nên không thể tiêm được. Và đặc biệt là do thiếu vắc xin Moderna kéo dài nhưng theo quy định trẻ không được tiêm vắc xin khác loại...
Tại Trạm Y tế phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), dù đã chủ động thông báo đến từng nhà, nhắn tin cho từng phụ huynh nhưng có hôm đến giữa buổi sáng mà vẫn chỉ có 2 trẻ đến tiêm. Dù vậy, các em cũng mới tiêm mũi 2 dù đã tiêm mũi 1 rất lâu trước đó. Theo chia sẻ của các phụ huynh, thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gia đình đã cho cháu tiêm mũi 1, sau này khi tình hình đã ổn thì thấy hơi lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin nên không cho tiêm. Bây giờ nghe thông báo có vắc xin, được nghe giải thích cặn kẽ nên quyết định đưa con đến tiêm cho đủ mũi.
Ở huyện An Lão, nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên chỉ đạt khoảng 40%, ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, thừa nhận: Tỷ lệ tiêm vắc xin của An Lão thấp nhất tỉnh, đặc biệt là nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để truyên truyền, động viên, nâng cao tỷ lệ tiêm.
Còn ở huyện Tây Sơn, dù tỷ lệ không quá thấp nhưng để tiếp tục nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin, duy trì miễn dịch cộng đồng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các trường THPT trên địa bàn tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách học sinh đã tiêm đủ liều cơ bản theo lớp học, trường học; chuyển danh sách cho UBND xã, thị trấn và trạm y tế xã, thị trấn để tổng hợp, đối chiếu, rà soát, tránh trùng lặp hay bỏ sót. Cùng với đó, huyện thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông cho phụ huynh và học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đối với đối tượng tiêm chủng dưới 18 tuổi, hiệu trưởng các trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đưa con em tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Kinh nghiệm của các địa phương làm tốt
Dù là huyện miền núi nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của huyện Vân Canh lại khá tốt. Bà Ngô Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Đối với học sinh, tùy theo số lượng đăng ký, trạm y tế sẽ tổ chức tiêm tại trường hay tại trạm. Để đạt tỷ lệ khá, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, ban, ngành, hội, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách cùng lúc, trong đó rất quan tâm chỉ đạo để hai ngành y tế và giáo dục phối hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ.
Để tiêm vắc xin cho học sinh đạt hiệu quả, vai trò của ngành GD&ĐT rất lớn. Tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng tốt, việc phối hợp giữa ngành y tế và ngành GD&ĐT rất chặt chẽ. Ông Trần Thiện Tài, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Chúng tôi thường xuyên liên hệ, phối hợp nhau. Ngoài ra, để thuận tiện theo dõi, nắm bắt tình hình, chúng tôi có nhóm Zalo để trao đổi thông tin với nhau thường xuyên. Về phần ngành GD&ĐT, chúng tôi quán triệt các trường chuẩn bị tốt điểm tiêm, tuyên truyền, vận động, thông tin và động viên phụ huynh kịp thời khi có đợt tiêm chủng.
Tại TX Hoài Nhơn, một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm cho học sinh khá tốt, cũng có những hoạt động thiết thực để thông tin cho phụ huynh về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Trước đó, để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho học sinh, UBND TX Hoài Nhơn đã quán triệt Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường, các trường lại giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên để tuyên truyền phụ huynh. Nói về hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, ông Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn, khẳng định: Để tỷ lệ tiêm vắc xin cho học sinh đạt tốt, ngành y tế và ngành GD&ĐT phải phối hợp thật chặt chẽ, trong đó phải thông tin đến từng phụ huynh và tốt nhất chính thầy cô của các em trao đổi, động viên cha mẹ của các em, khi có nhiều phụ huynh chuyển biến tốt, những người này sẽ tác động tích cực lên phần còn lại.
THẢO YÊN