Trao bức ảnh, nhận nụ cười
Để lưu giữ những nụ cười, kỷ niệm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, giữa tháng 12.2022, Ban Sáng tác trẻ (Hội VHNT tỉnh), CLB Nhiếp ảnh trẻ tỉnh phối hợp với tổ chức Help Portrait Việt Nam và các nhiếp ảnh gia tự do đã tổ chức chương trình “Hành tinh nhiệm màu”, chụp ảnh chân dung và tặng ảnh cho người dân tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh).
Anh Đào Phan Minh Cần, Trưởng Ban tổ chức chương trình, cho biết: “Chúng tôi chọn xã Canh Liên vì nghĩ rằng người dân nơi này sẽ có nhu cầu lớn hơn, vì họ ít có điều kiện để chụp và lưu giữ những kỷ niệm cho riêng mình. Do đó, dù có những khó khăn nhất định nhưng cả đoàn đều nỗ lực, với hy vọng đem lại niềm vui, tiếng cười cho những hoàn cảnh khó khăn ấy”.
Với tinh thần “trao bức ảnh, nhận nụ cười”, đoàn mang theo đầy đủ đồ nghề như máy ảnh, máy in, giấy in… Toàn bộ chi phí, trang thiết bị đều do các thành viên tự đóng góp và huy động. 25 nhiếp ảnh gia, ai cũng háo hức vì được góp sức cho một chương trình ý nghĩa.
Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh cho người dân ở xã Canh Liên. Ảnh: Help Portrait Bình Định
Đến điểm tập trung là Nhà văn hóa làng Hà Giao, đoàn được 4 tình nguyện viên ở xã hỗ trợ. Nhờ đó, thay vì tập trung chụp ở 1 địa điểm, đoàn thống nhất chia ra làm 4 nhóm phụ trách các điểm: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên, làng Hà Giao, làng Kon Lót, Nhà văn hóa làng Hà Giao.
Help Portrait là chương trình do các nhiếp ảnh gia tự do và tình nguyện viên trên toàn thế giới tự nguyện đóng góp thời gian, thiết bị và chuyên môn để chụp ảnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tại Việt Nam, chương trình đã được tổ chức 11 lần. Riêng năm 2022 (lần thứ 11), có 361 nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên tại 5 tỉnh, thành tham gia chương trình, chụp và tặng 4.035 bức ảnh chân dung.
Cách làm này giúp các thành viên trong đoàn có cơ hội tiếp xúc gần gũi hơn với người dân, từ đó hiểu hơn về một ngày thường nhật ở nơi “cổng trời”. Chị Huỳnh Thị Hoàng Ngọc (hiện ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) là một trong số ít các nữ nhiếp ảnh gia tự do tham gia chương trình. Vượt hơn 100 cây số lên đến vùng núi rừng, cô gái nhỏ nhắn vẫn tràn đầy năng lượng, lập tức bắt tay vào săn ảnh đẹp, tặng người dân.
“Tôi lo rằng người dân sẽ lạ lẫm với máy ảnh, không biết cách tương tác với ống kính. Bởi vậy, tôi lân la chuyện trò, kéo gần khoảng cách. Khi đã bớt ngại ngùng, mọi người đều hào hứng, tự tin tạo dáng. Các bà, các mẹ còn trịnh trọng thay đồ truyền thống để có được tấm hình đẹp nhất”, Ngọc vui vẻ kể lại.
Là một trong những người được tặng ảnh chân dung, với chị Thiên Nga So Zuôn, niềm vui giản dị nhưng bất ngờ này là kỷ niệm đáng nhớ. Chị bày tỏ: “Vì điều kiện sống còn hạn chế nên ở đây, nếu chúng tôi chụp ảnh thì cũng chỉ bằng điện thoại chứ không có công cụ chuyên dụng, chất lượng ảnh không cao. Do đó, khi cầm trên tay bức ảnh chụp hai mẹ con, tôi và con gái đều xúc động”.
Chứng kiến người dân trân trọng từng bức ảnh mà đoàn gửi tặng, các nhiếp ảnh gia như được tiếp thêm động lực. Ai cũng cố gắng chọn từng góc máy tốt nhất, tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp nhất có thể để cho ra đời những bức ảnh ưng ý. Cứ thế, từ 9 - 16 giờ, gần 400 tấm ảnh được trao đi.
Nhớ lại bầu không khí vội vã, khẩn trương để kịp giao ảnh đến tay từng người dân, anh Đinh Văn Tam (tình nguyện viên ở xã Canh Liên) cho biết, đây là lần đầu tiên, ở địa phương mình diễn ra hoạt động chụp và in ảnh tại chỗ miễn phí. Anh chia sẻ: “Ai cũng vui và rỉ tai nhau về chương trình; nhiều người dân ở các làng lân cận như Kà Nâu, Kà Bưng cũng đến tham gia. Tôi thấy vui vì đoàn đã nhiệt tình quan tâm đến xã, trao đi nhiều bức ảnh đẹp”.
DIỆU NGỌC