Hoài Nhơn - Tuy Phước: Kháng chiến cùng chống, hòa bình cùng xây!
“Giải phóng Tuy Phước mới về Hoài Nhơn”
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Đảng ủy Quân khu 5, chiến dịch tổng tiến công Xuân Hè 1972 ở Bình Định được chia làm hai khu vực trọng điểm. Phía Bắc do Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng LLVT các địa phương Hoài Nhơn, Hoài Ân và 7 xã phía Bắc Phù Mỹ đảm nhiệm; phía Nam do bộ đội tỉnh đảm nhiệm.
Trên địa bàn Hoài Nhơn, đêm 14.4.1972, Sư đoàn 3 Sao Vàng, đặc công Quân khu 5 và bộ đội huyện đã tiến công chi khu Tam Quan và căn cứ Đệ Đức, làm cho bọn ngụy quyền càng thêm lo sợ. Trung đội nghĩa quân 313 làm binh biến, mang toàn bộ vũ khí về với cách mạng.
Ngày 29.4.1972, bộ đội ta tiến công giải phóng Bồng Sơn, đồng bào các xã Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Hương… đồng loạt nổi dậy cùng du kích tiến công tiêu diệt và bao vây hàng chục vị trí đồn trú địch. Đến 17 giờ 40 phút ngày 2.5.1972, Hoài Nhơn được giải phóng hoàn toàn lần đầu.
Giữa lúc này, ở Tuy Phước nói riêng và khu Đông Bình Định nói chung, chiến trường đang rất ác liệt, cả một vùng vành đai trắng kéo dài từ Phước Sơn, Phước Thuận đến Phước Hòa bị Sư đoàn 22 Ngụy, cùng quân Mãnh hổ Rồng xanh Đại Hàn, lính dân vệ, bảo an địa phương ngày đêm quần thảo, chà xát, tróc nã LLVT và các cơ sở cách mạng hiện có.
Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Nguyễn Văn Hùng (phải) tặng quà nhân chứng người Hoài Nhơn từng tham gia hoạt động kết nghĩa Hoài Nhơn - Tuy Phước năm 1972. Ảnh: TẤN HÙNG
Trong hoàn cảnh ấy, để giúp phong trào cách mạng ở Tuy Phước, Tỉnh ủy Bình Định có chủ trương chỉ đạo Đảng bộ, dân và quân Hoài Nhơn đang thuộc vùng giải phóng của tỉnh thực hiện kết nghĩa, chi viện khẩn cấp lực lượng cán bộ, vũ khí, hậu cần giúp chống địch phản kích. Tháng 5.1972, lễ kết nghĩa giữa 2 địa phương Hoài Nhơn - Tuy Phước được tổ chức tại khu Đồng Đất Chai, xã Hoài Thanh (nay là phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn).
Tại lễ kết nghĩa, Hoài Nhơn trực tiếp bàn giao 40 cán bộ, chiến sĩ là những TNXP tuổi đời còn rất trẻ với vũ khí và quân, tư trang đầy đủ lên đường vào Tuy Phước làm nhiệm vụ. Để động viên tinh thần các thanh niên, lãnh đạo huyện Tuy Phước lúc đó đã trao cho đơn vị lá cờ có thêu dòng chữ: “Hoài Nhơn - Tuy Phước tâm đồng/ Cùng nhau phất ngọn cờ hồng tiến lên!”.
Đáp lại tình cảm sâu nặng đó, lá cờ của Huyện ủy Hoài Nhơn trao tặng lãnh đạo Tuy Phước và TNXP Hoài Nhơn có dòng chữ: “Ra đi giữ trọn lời thề/ Giải phóng Tuy Phước mới về Hoài Nhơn”; xem đây như lời thề sắt son, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.
Sau đó, với nhiều đợt khác nhau, lần lượt nhiều TNXP, quân dân chính của Hoài Nhơn tiếp tục lên đường vào chi viện, hỗ trợ cho Tuy Phước. Mang truyền thống, tố chất anh hùng, thanh niên Hoài Nhơn đã chấp nhận gian khổ, hy sinh, dũng cảm, kiên cường, cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tuy Phước kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ với niềm tin chiến thắng và quyết tâm giải phóng quê hương Tuy Phước. Ngày 31.3.1975, huyện Tuy Phước cùng với cả tỉnh được hoàn toàn giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, giang sơn thu về một mối.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ông Nguyễn Văn Thương (ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) vẫn không quên những tháng ngày đồng cam cộng khổ cùng anh em chiến sĩ Hoài Nhơn tình nguyện hành quân vào Tuy Phước đánh địch, bám đất, giữ làng. Những ký ức ở chiến trường Tuy Phước được ông Thương nâng niu, gìn giữ.
Ông Thương kể: “Khi ấy, tôi làm Đại đội trưởng của Đại đội 1. Chiến trường khu Đông hết sức khốc liệt, địa bàn toàn là nước, người ta thường ví là chiến trường “chín áo một quần”. Việc di chuyển ở địa bàn này với các anh em rất khó khăn. Dù vậy, tất cả chiến sĩ đều giữ trọn lời thề, kiên cường giữ vững trận địa, làm chủ tình hình, dồn dập tiến công để sớm giải phóng quê hương Tuy Phước”.
Ông Trương Văn Khương (cũng ở phường Tam Quan Nam) tham gia hỗ trợ Tuy Phước ngày ấy, chia sẻ: “Tuy Phước gọi, Hoài Nhơn sẵn sàng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành phương châm hành động của mỗi thanh niên chúng tôi. Hàng trăm thanh niên của Hoài Nhơn đã đổ bộ vào Tuy Phước để sát cánh cùng với quân dân địa phương đánh thắng kẻ thù xâm lược!.
Để có được ngày vui chiến thắng, 218 thanh niên Hoài Nhơn vĩnh viễn nằm lại chiến trường Tuy Phước. Nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa một lần nghĩ về tình yêu, chỉ ước mơ ngày đất nước được thống nhất để về với quê hương. Trong số đó, có liệt sĩ đến nay chưa tìm thấy hài cốt.
“Đồng tâm xây dựng quê mình giàu thêm”
Hòa bình lập lại, cả 2 địa phương đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân 2 địa phương đã kề vai, sát cánh, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng xây dựng quê hương. Trong đó, việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung cấp lương thực.
Và một lần nữa, TNXP của 2 địa phương đã tình nguyện rời quê hương để giúp nhau hàn gắn vết thương chiến tranh. Thanh niên Hoài Nhơn tình nguyện vào Tuy Phước đắp đê ngăn mặn, xây dựng công trình đê khu Đông đầm Thị Nại. Hàng nghìn người con Tuy Phước ngược ra Hoài Nhơn giúp bạn xây dựng đập Lại Giang, khôi phục kênh mương, ổn định sản xuất.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương (phải) trao biển tượng trưng hỗ trợ trang thiết bị y tế giúp Tuy Phước phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TẤN HÙNG
Năm 1984, ông Lê Văn Trí, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Tuy Phước, trực tiếp dẫn thanh niên Tuy Phước ra hỗ trợ Hoài Nhơn. Ông Trí nhớ lại: “Lúc đó có hơn 1.000 TNXP của huyện Tuy Phước tình nguyện ra hỗ trợ Hoài Nhơn thi công cải tạo hệ thống kênh mương và đập dâng Lại Giang. Chúng tôi xác định đây là công trình “Đền ơn đáp nghĩa” cho những hy sinh, mất mát của Hoài Nhơn để góp phần giải phóng Tuy Phước”.
Chỉ trong 30 ngày, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, thanh niên Tuy Phước đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp hơn 76,4 km kênh mương và đập dâng Lại Giang, nhanh chóng đưa nước tưới về những cánh đồng khô khát. Từ đó, góp phần giúp Hoài Nhơn chủ động trong sản xuất, đem lại những mùa vàng bội thu.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được dựng xây từ những ngày gian khó, nhiều năm qua, lãnh đạo hai địa phương thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển KT-XH, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch. Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TX Hoài Nhơn đã tặng trang thiết bị y tế trị giá 155 triệu đồng cho huyện Tuy Phước để phòng, chống dịch. Hằng năm, vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm, những sự kiện trọng đại, lãnh đạo hai địa phương thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ, động viên nhau.
Tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hoài Nhơn - Tuy Phước vừa được tổ chức, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương và Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Nguyễn Văn Hùng một lần nữa khẳng định những tình cảm kết nghĩa thủy chung, son sắt, nghĩa tình của 2 huyện, thị là không gì có thể thay thế được. Đây chính là tài sản vô giá, là nền tảng vững chắc để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối, gìn giữ, vun đắp.
Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn 2 câu ca đi vào lòng người: “Hoài Nhơn - Tuy Phước nghĩa tình/ Kháng chiến cùng chống, hòa bình cùng xây”.
NGUYỄN HÂN