10 sự kiện nổi bật trong tỉnh năm 2022
Năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song cũng là năm Bình Định đạt được rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật do Báo Bình Định bình chọn.
1. Bình Định đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu phát triển KT-XH
19/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2022 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước đạt 8,57%, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành trong nước.
Cùng với đó, công tác thu ngân sách nhà nước cũng thắng lợi lớn. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 16.551,8 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp 11/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành vượt mức dự toán, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 46.942 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Ước đến ngày 31.1.2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 8.505 tỷ đồng, đạt 90,97% kế hoạch năm, nằm trong tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2022, ngành Du lịch Bình Định ước đón hơn 4,1 triệu lượt khách, tăng 185,2% so với năm 2021; tổng doanh thu trong năm 2022 ước đạt 13.119 tỷ đồng, tăng 658,3% so với năm 2021.
2. Nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng
Ngày 26.8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2771/QĐ-UBND quy định về quy trình vận hành hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão). Hồ chứa nước Đồng Mít dung tích thiết kế gần 90 triệu m3, có nhiệm vụ điều tiết nguồn nước tưới cho 6.742 ha đất canh tác, cấp nước tưới trực tiếp cho 134 ha đất canh tác ven sông An Lão; bổ sung nước về đập Lại Giang để ổn định nước sản xuất cho 4.010 ha ở TX Hoài Nhơn và 725 ha đất canh tác ven sông An Lão; tạo nguồn cung cấp nước cho 671 ha đất canh tác và 147 ha nuôi trồng thủy sản của các xã phía Bắc huyện Phù Mỹ, cấp nước sinh hoạt cho 276 nghìn người…
Hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão). Ảnh: DŨNG NHÂN
Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển ĐT 639 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, đoạn Cát Tiến - Đề Gi dài 23,2 km, có tổng vốn 1.262 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3.2.2022 đã làm nức lòng người dân. Đoạn từ cầu Đề Gi đến Mỹ Thành dài 7,6 km, có tổng mức đầu tư hơn 611 tỷ đồng. Trong đó, cầu vượt biển Đề Gi có chiều dài 396,6 m; bề rộng toàn cầu 17,5 m; tổng mức đầu tư trên 352 tỷ đồng. Đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh có tổng chiều dài 9,57 km; tổng mức đầu tư gần 534 tỷ đồng.
3. Tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn
Ngày 13.5.2022, tại TP Quy Nhơn, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22.12.1992 - 22.12.2022). Trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022”, đã diễn ra Tọa đàm Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022 với chủ đề “Chung tay phát triển”. Bên cạnh đó, Bình Định đã tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các DN CHLB Đức tại Bình Định và tổ chức nhiều Hội thảo xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước Hà Lan, Thái Lan, Australia, Đài Loan...
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và Tập đoàn PNE (Đức). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ nỗ lực đó, năm 2022, toàn tỉnh thu hút mới 74 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.475,50 tỷ đồng. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Định thu hút được 1 dự án mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; 5 trường hợp điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.
4. Năm Hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia 2022
Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022), 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022); kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967 - 24.6.2022), trên địa bàn tỉnh đã có các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.
Cuối tháng 8.2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh tổ chức trang trọng buổi Gặp mặt kỷ niệm, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng đông đảo đại biểu, sinh viên Lào và Việt Nam đang học tập ở TP Quy Nhơn. Các đại biểu đã nhìn lại chặng đường thực hiện các hoạt động hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Định với 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Champasak, Salavan, Sekong). Sau đó có các hoạt động: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh niên Việt Nam - Lào sắt son nghĩa tình” được Tỉnh đoàn tổ chức cuối tháng 8.2022; Tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên Lào vào cuối tháng 9.2022, được Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp với Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tổ chức.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh, các CCB từng tham gia lực lượng quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng Khmer Đỏ, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, cũng đã có hoạt động kỷ niệm, tưởng nhớ về những năm tháng không thể nào quên trên nước bạn.
5. Khánh thành Tổ hợp Không gian khoa học
Chiều 29.4, UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành công trình Tổ hợp Không gian khoa học. Tổ hợp do Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (thuộc Sở KH&CN) quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng, có diện tích 3,99 ha, tọa lạc tại số 10 - Đại lộ Khoa học, gồm 3 công trình chính: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi. Khu khám phá khoa học có hai hạng mục, gồm: Bảo tàng khoa học và Nhà chiếu hình vũ trụ.
Bảo tàng khoa học là nơi dành cho công chúng tương tác với các mô hình khoa học, tìm hiểu về khoa học và lịch sử khoa học. Bảo tàng khoa học có 7 phòng trưng bày chia theo 7 chủ đề: Hệ Mặt trời, Khám phá vật chất, Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá Sao Hỏa, “Chơi mà học!”, Vì sao lại thế. Nhà chiếu hình vũ trụ sử dụng hệ thống máy chiếu video có độ phân giải cao 4K, hệ thống thiết bị, điều khiển trình diễn hiện đại, công nghệ trình chiếu và mô phỏng mới nhất. Trạm Quan sát thiên văn phổ được đầu tư, lắp đặt nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến, bao gồm 10 kính thiên văn phổ thông và 1 kính thiên văn quang học có đường kính 600 mm. Đây là chiếc kính thiên văn lớn nhất đang có tại Việt Nam hiện nay, cho phép quan sát một vật thể ở khoảng cách hơn 1 tỷ năm ánh sáng.
6. Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân
Tối 17.4, tại Quảng trường 19.4 (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2022).
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Hoài Ân anh dũng quật cường - 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân và quân Hoài Ân đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của, bám đất, bám làng cùng với bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19.4.1972, tạo hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng ở Bình Định. Hoài Ân là 1 trong 2 huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng từ tháng 4.1972 và giữ vững thành quả đó cho đến ngày thống nhất đất nước 30.4.1975.
7. Quy tập và truy điệu, an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn
Đầu tháng 3.2022, từ thông tin CCB cung cấp, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với huyện Hoài Ân huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân). Ngày 17.4, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hơn 60 hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về tham dự buổi lễ và dâng hương với lòng thành kính, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ.
8. Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 4.8, Bộ VH-TT&DL đã công nhận “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn”, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở tỉnh Bình Định, cách đây gần 4 thế kỷ. Hằng năm, Lễ hội được tổ chức trong ba ngày: Ngày cuối tháng Giêng (có thể là ngày 29 hay
ngày 30, tùy tháng) và từ ngày 1 - 2.2 âm lịch. Thời gian tổ chức Lễ hội được kéo dài sang ngày 3 - 4.2 âm lịch tại Di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), thu hút đông đảo người dân tham gia.
9. Thể thao Bình Định gặt hái nhiều thành công
Tại SEA Games 31, Bình Định có 1 HLV và 4 VĐV tham gia, giành được số lượng huy chương nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, HLV Trần Đình Đô cùng đội tuyển kickboxing giành 5 HCV, 6 HCĐ (VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga bảo vệ thành công ngôi vô địch hạng cân 48 kg). VĐV Phạm Thị Hồng Lệ xuất sắc giành 1 HCV cự ly chạy 10.000 m; 1 HCB nội dung chạy 5.000 m. VĐV Võ Thị Bé Tư cùng đội tuyển bóng ném nữ Việt Nam giành chức vô địch môn bóng ném trong nhà. Cầu thủ Lý Công Hoàng Anh (CLB Topenland Bình Định) cùng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành HCV.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, các đội tuyển thể thao Bình Định đã giành được tổng cộng 8 HCV, 8 HCB, 12 HCĐ, hoàn thành chỉ tiêu đề ra, số lượng huy chương nhiều hơn kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 (7 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ). Kết quả này giúp đoàn Bình Định đứng thứ 29/65 đoàn tham dự.
10. Viettel công bố cập bờ tuyến cáp ADC, băng thông lớn nhất Việt Nam
Ngày 19.4, tại TP Quy Nhơn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức công bố tuyến cáp biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) cập bờ tại Quy Nhơn. Đây là tuyến cáp quang có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway).
ADC là tuyến cáp biển thứ 5, với quy mô đầu tư lớn nhất cho đến nay của Tập đoàn Viettel, trên cơ sở hợp tác với các tập đoàn viễn thông quốc tế lớn của thế giới như: Singtel, China Telecom, SoftBank, China Unicom, NT, PLDT, TATA Communications để cùng đầu tư, xây dựng với chiều dài cáp ngầm là 9.800 km, dung lượng đạt trên 140 Tbps. ADC sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.
BÁO BÌNH ĐỊNH