KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM (27.1.1973 - 27.1.2023)
Thắng lợi của chính nghĩa và ý chí kiên cường, bất khuất
50 năm trước, thế giới chứng kiến một sự kiện chấn động: Mỹ - một đế quốc hùng mạnh đã phải chính thức đặt bút ký vào Hiệp định Paris, thừa nhận chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Ðây là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
5 năm “vừa đánh vừa đàm”
Năm 1968, sau hàng loạt thất bại nặng nề của chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Paris. Phái đoàn Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam: Trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan. Hội nghị hai bên ở Paris sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị.
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN
Đến ngày 18.1.1969, hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn, đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, nhất là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger. Ngày 8.10.1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí, nhưng đến ngày 22.10.1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Ngày 12.12.1972 cuộc đàm phán phải tạm dừng.
Đêm 18.12.1972, Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là “Trận Điện Biên Phủ trên không” kết thúc bằng việc 38 “pháo đài bay B52” và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ nổ tung ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Paris. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.
Trong khoảng 5 năm (1968 - 1973), Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn; có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.
Đây cũng là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. Ngày 23.1.1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27.1.1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam, đồng thời làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đến ngày 29.3.1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát của sĩ quan Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên.
Khát khao hòa bình
50 năm đã trôi qua, nhưng những người lính chiến đấu trên khắp chiến trường của tỉnh vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, những chiến công trên chiến trường góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trên bàn đàm phán.
Thiếu tướng Trần Công Thức xem lại những hình ảnh, hiện vật trong thời gian chiến đấu tại huyện Phù Mỹ trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Ảnh: H.P
Thiếu tướng Trần Công Thức (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) từng là Đại đội trưởng đại đội 1 thuộc Huyện đội Hoài Nhơn tham gia chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân - Hè 1972 giải phóng 2 huyện Hoài Nhơn và Hoài Ân. Theo thiếu tướng, từ cuối tháng 12.1972, trước ngày ký kết Hiệp định Paris, tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các LLVT và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua đó, giúp quân và dân ta nắm vững những nội dung cơ bản của Hiệp định Paris; thấy rõ thắng lợi của ta, thất bại của địch, thời cơ, vận hội mới và những khó khăn, thách thức trước mắt đối với sự nghiệp giải phóng tỉnh nhà.
Trên cơ sở đó, làm cho quân dân nhất quán thực hiện chủ trương ta không chủ động gây xung đột vũ trang, phá hoại Hiệp định, nhưng phải chủ động và kiên quyết giáng trả mọi hành động khiêu khích, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng; tích cực đề phòng và khắc phục hiện tượng lơi lỏng chống địch phản kích, lấn chiếm, tư tưởng dừng lại, chờ đợi quốc tế.
Ông Thức nhớ lại: Cuối năm 1972, khi là Đại đội trưởng Đại đội 2 (thuộc Tiểu đoàn 55, Tỉnh đội Bình Định), tôi được cấp trên quán triệt để Hiệp định Paris được ký kết thuận lợi, ngoài việc đấu tranh ngoại giao, vấn đề quân sự cũng hết sức quan trọng. Bởi nếu trên chiến trường ta giành thắng lợi, thì sẽ có lợi thế lớn trên bàn ngoại giao. Vì vậy, các lực lượng phải tăng cường tổ chức đánh tiêu hao sinh lực địch, bằng mọi hình thức mở rộng vùng giải phóng, giải phóng đến đâu cắm cờ đến đó. Trên tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 55 cùng các lực lượng kiên cường chống địch phản kích, vừa phản công, tấn công địch ở Đông Bắc huyện Phù Mỹ.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chính quyền Sài Gòn buộc phải trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc. Đây cũng là ngày đánh dấu “địa ngục trần gian” tại hòn đảo ngọc này vĩnh viễn bị xóa bỏ. Ông Phan Thành Lang (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh), sau mấy năm trải qua “địa ngục trần gian”, bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn đã được trở về trong cuộc trao trả bên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). Trong hoài niệm của ông Lang, những ngày gian khổ ở chốn ngục tù là ký ức không thể nào quên, là quá khứ của gan góc, dạn dày đấu tranh cho lý tưởng cách mạng.
Ông Lang kể: Trên hành trình từ Lộc Ninh (Bình Phước) đến Quảng Trị, ông và các bạn tù khác đều có cảm giác hồi hộp xen lẫn niềm vui vì quê hương sắp được giải phóng. Trước lúc trao trả, lính Ngụy phát cho mỗi người áo sơ mi cộc tay mới, quần âu. Nhưng, tất cả đều phản đối, tuyên bố rằng lính Ngụy đã đối xử với mình như thế nào thì giờ trao trả cũng như thế để nhân dân cả nước và quốc tế biết rõ mọi việc. Sau đó, ông cùng các bạn tù cởi bỏ hết trang phục, vật dụng, chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc.
“Thuyền chưa đến giữa sông, chúng tôi không chịu nổi nữa mà cùng nhau nhảy ào xuống sông lội bộ qua bờ bên kia, nơi những đồng chí thân yêu của mình đang chờ sẵn. Đến bờ sông, mọi người ôm chầm lấy nhau trong niềm vui và xúc động vô bờ”, ông Lang chia sẻ.
Lịch sử không cho phép những cựu tù chính trị quên quá khứ. Những cái ôm, những nụ cười hay giọt nước mắt ngày đoàn tụ như minh chứng cho mong muốn, khát khao hòa bình, không còn cảnh đất nước phải “nồi da xáo thịt”, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đó là lý tưởng mà họ đã đấu tranh không biết mệt mỏi.
HỒNG PHÚC