Những “thanh kiếm” bảo vệ bầu trời Tổ quốc
50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12.1972 vẫn còn vang vọng. Trong mốc son chói lọi đó có đóng góp không nhỏ của các phi công là người Hoài Nhơn (Bình Định).
Người mở ra huyền thoại MiG-21
Năm 1952, khi chưa đầy 18 tuổi, chàng nông dân Nguyễn Hồng Nhị (SN 1936, tại xã Hoài Sơn) xung phong nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5.
Năm 1954, ông Nhị tập kết ra Bắc, sau đó được cử về Sư đoàn 324 (huấn luyện ở Nghệ An) rồi đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Khi đang học tại trường, ông trúng tuyển phi công chiến đấu và được chọn đi học bay ở Liên Xô từ năm 1961 - 1964. Khi về nước, ông là phi công MiG-21 tại Trung đoàn không quân 921, rồi dần trưởng thành lên các chức vụ cao hơn trong lực lượng Không quân Việt Nam (KQVN).
Phi công Nguyễn Hồng Nhị (bìa phải, hàng ngồi) chụp ảnh cùng Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Ngày 25.1.1966, KQVN lần đầu tiên sử dụng MiG-21 trực ban sẵn sàng chiến đấu. Đây cũng là ngày phi công Nguyễn Hồng Nhị ghi nhớ suốt cuộc đời, bởi ông là phi công đầu tiên của KQVN được vinh dự trực ban chiến đấu trên loại máy bay này. Đến ngày 4. 3.1966, Nguyễn Hồng Nhị đã lập chiến công đầu khi bắn rơi chiếc máy bay không người lái tầng cao AQM-34 của địch. Ông cũng là phi công đầu tiên của KQVN lập chiến công trên máy bay tiêm kích MiG-21.
Theo trung tướng Phạm Phú Thái (Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng), trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc (1965 - 1968), phi công Nguyễn Hồng Nhị đã xuất kích gần 100 lần, gặp địch hơn 20 lần, đánh 13 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ thuộc 5 kiểu loại khác nhau. Với thành tích xuất sắc đó, tháng 6.1969, anh Nhị được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.
Bước sang cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Nguyễn Hồng Nhị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927. Đây là một trong hai trung đoàn KQVN được trang bị loại máy bay tiêm kích hiện đại MiG-21. Trên cương vị trung đoàn trưởng, cùng với ban lãnh đạo trung đoàn, ông Nhị đã thể hiện tài năng chỉ huy xuất sắc. Chỉ trong vòng 8 tháng (tháng 4 - 12.1972), Trung đoàn đã bắn rơi 39 máy bay Mỹ, chiếm một nửa thành tích của KQVN.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông Nhị được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, chỉ huy lực lượng không quân tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1985, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, ông được phong quân hàm thiếu tướng (điều hiếm thấy ở cấp sư đoàn trưởng không quân).
Đến tháng 2.1987, ông được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Không lâu sau, đầu năm 1988, ông Nhị chuyển ngành sang dân sự, được điều động làm Tổng cục phó, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Dân dụng, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Đến năm 1998, ông Nhị nghỉ hưu. Ngày 25.11.2021, thiếu tướng phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Hồng Nhị đã rời cõi tạm, bay mãi mãi vào trời xanh.
Hồi ức về người chồng, bà Nguyễn Thị Thanh Dậu bộc bạch: “Ngoài lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ, còn một lý do khác để ông ấy quyết tâm hạ thật nhiều máy bay Mỹ, đó là được gặp Bác Hồ. Mỗi chiếc máy bay rơi, ông ấy được Bác Hồ gửi tặng một huy hiệu. Chiếc huy hiệu thứ 8 Bác Hồ trao cho ông sau trận đánh ngày 1.8.1968 khi bắn rơi chiếc F-8E của địch”.
Lập chiến công để làm “quà cưới” cho vợ
Với bà Trần Thị Diên Hồng, vợ đại tá phi công Đinh Tôn (SN 1936, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân), sau 42 năm ngày ông mất và hơn nửa thế kỷ ngày tình yêu của hai người chớm nở, những ký ức về ông chưa bao giờ nguôi ngoai.
Theo hồi ức của bà Hồng, hai người đều sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại Hoài Thanh Tây. Năm 1955, ông Tôn tập kết ra Bắc và được chọn vào lực lượng không quân. Hai năm sau, ông cùng một số cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn sang học bay ở Tiệp Khắc. Chỉ hơn một năm huấn luyện, ông đã được cấp bằng tốt nghiệp xuất sắc, được đặc cách học bay thêm một loại máy bay du lịch thể thao. Và ông cũng giành được kết quả tối ưu.
Trở về nước, ông Tôn tự nguyện không nghỉ phép theo chế độ sau đợt du học mà tranh thủ thời gian luyện bay loại máy bay ta hiện có. Đến năm 1966, Đinh Tôn được chỉ định dẫn đầu một đoàn học viên sang Liên Xô học lái máy bay MiG-21. Tuy là phi công chuyên bay loại máy bay cánh quạt tốc độ chậm, nhưng với tay lái kinh nghiệm trên một nghìn giờ bay cộng với tài năng thiên bẩm, ông Tôn tiếp thu rất nhanh kỹ thuật lái MiG-21. Năm 1968 khi vừa về nước với bằng đỏ xuất sắc, ông Tôn được giao nhiệm vụ bay thử các sân bay dã chiến đường băng đất nện, ngắn hẹp, tĩnh không nguy hiểm. Ông đã hạ cất cánh thành công ngay từ vòng đầu bay thử, rút ra các tham số bay hạ cất cánh an toàn phổ biến cho các phi đội MiG-21 chuẩn bị vào chiến đấu ở miền Trung.
Phi công Đinh Tôn đã lưu lại dấu ấn chiến công đầy ấn tượng trong lịch sử KQVN về tài năng, lòng dũng cảm, khả năng độc lập tác chiến và xử lý linh hoạt các tình huống chiến thuật. Trong đó, ông đã bắn rơi 4 máy bay; có 1 chiếc F4 của địch vào năm 1968. Đặc biệt, trong mấy năm gian khổ săn tìm B-52, ông Tôn cùng đồng đội đã thu được nhiều kinh nghiệm vô giá, đúc kết nên phương án chiến đấu khả thi để không quân ta giành chiến công tuyệt vời, góp phần diệt B-52 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội.
Bên cạnh hình tượng một phi công chiến đấu tài giỏi, gan dạ, kiêu hùng trên bầu trời, ở đời thường ông lại là người chồng, người cha rất đỗi giản dị, thương yêu vợ con hết lòng… Bà Hồng kể: Cưới nhau được 12 năm thì đến năm 1980, ông Tôn bị bệnh hiểm nghèo và mất, để lại hai con nhỏ dại. Ông mất đi, một mình bà chèo chống nuôi con. Khó khăn, vất vả, gian truân, nhưng hễ cứ nghĩ về ông, về những hạnh phúc mà ông bà đã xây đắp trong quá khứ, bà lại như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để vượt qua.
“Tôi và ổng gặp nhau năm 1962 tại Hà Nội. Tình yêu chín muồi, chúng tôi đã chuẩn bị để tổ chức đám cưới vào năm 1965, nhưng vì nhiệm vụ, ông lên đường sang Liên Xô học bay. 3 năm sau lần “cưới hụt”, ổng trở về và bắn rơi 4 máy bay địch để làm “quà cưới” cho tôi”, bà Hồng sụt sùi nhớ lại.
Tự hào là quê hương của những anh hùng phi công
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, người dân “xứ dừa” Hoài Nhơn một dạ kiên trung, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Đối với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ngoài hai phi công là thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị và đại tá Đinh Tôn, Hoài Nhơn còn có hai người con là phi công đã tham gia và xuất sắc lập được chiến công là Anh hùng LLVT - đại tá Nguyễn Văn Chuyên (SN 1932, tại xã Hoài Phú, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân) và Anh hùng LLVT - thượng úy Nguyễn Văn Biên (1934 - 1966, quê ở xã Hoài Phú, nguyên Trung đội trưởng bay, Đại đội 1, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân).
Đồng đội cũ đến thăm phi công Nguyễn Hồng Nhị (giữa). Ảnh tư liệu
Trong đó, “hoa tiêu” Nguyễn Văn Chuyên đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 110 trận, người lái bắn rơi 117 máy bay thuộc 14 kiểu và bắn bị thương 1 máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Ông được đồng đội yêu mến, đặt biệt danh “Mắt thần phi công”. Còn thượng úy Nguyễn Văn Biên đã bắn rơi 2 máy bay của địch.
Tại buổi lễ vinh danh các anh hùng phi công là người Hoài Nhơn đã góp công vào chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12.1972) vào giữa tháng 12 vừa qua, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương chia sẻ rằng: Địa phương tự hào vì có bốn phi công gan dạ, bản lĩnh, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường. Những “kỳ tích” của 4 phi công đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước.
“Từ quá khứ đầy tự hào, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân TX Hoài Nhơn quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng trong kháng chiến, truyền thống Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua xây dựng quê hương Hoài Nhơn ngày càng phát triển, đi đầu trong phát triển KT-XH của tỉnh”, ông Trương khẳng định.
HỒNG PHÚC