Kinh tế phục hồi, phát triển mạnh mẽ
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2022, Bình Định đã cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, KT-XH phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chiến tranh Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19, kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao, cộng thêm thiên tai, mưa, bão, lũ… đã tác động tiêu cực đến sự phát triển KT-XH và mọi mặt của đời sống nhân dân cả nước, trong đó có Bình Định. Trong bối cảnh đó, Bình Định tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp vừa kịp thời, vừa uyển chuyển linh động và tỉnh táo trong xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, lúng túng. Các quyết sách quan trọng phát triển KT-XH đều nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng DN.
Vượt qua “bão lớn”
Sau khi nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, mùa vụ quan trọng nhất của năm, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã chủ động thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng 2 lĩnh vực có thế mạnh là chăn nuôi và thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, gắn với an toàn dịch bệnh. Năm 2022, tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng 3,26%, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã lan tỏa rộng khắp và đạt được kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 87/113 xã đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Điều này đã làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn.
Lãnh đạo tỉnh chào đón các nhà đầu tư CHLB Đức đến ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: TIẾN SỸ
Các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, trong đó có việc tổ chức nhiều hội nghị, chương trình, lễ hội quy mô lớn đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Với 4,12 triệu lượt khách đến Bình Định trong năm 2022, tăng 1,8 lần so với năm trước, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 13.100 tỷ đồng, tăng 6,5 lần, cho thấy sức bật mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói này. Du lịch khởi sắc thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt tới 94.908 tỷ đồng, tăng 19,2%.
Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đúng hướng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là cơ sở để 1.143 DN quyết định thành lập mới với tổng vốn đầu tư trên 9.780 tỷ đồng. Nhận diện cơ hội đầu tư phát triển, nhiều DN trong nước cũng đã đăng ký và thực hiện 74 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng; chủ đầu tư 17 dự án còn tăng vốn đầu tư thêm 19.476 tỷ đồng so với ban đầu. Cùng với đó, 1 DN nước ngoài đăng ký thực hiện 1 dự án với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD và 5 dự án khác điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên 16 triệu USD.
Hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, hiệu quả đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 của tỉnh tăng hơn 7% so với năm trước. “Sức khỏe” của nền kinh tế tốt lên, việc thu nộp ngân sách cũng thuận lợi hơn. Đến cuối tháng 11.2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt trên 16.551 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thành quả có được sau nỗ lực bền bỉ suốt năm qua là KT-XH phục hồi và phát triển toàn diện. Có 19/19 chỉ tiêu quan trọng của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt 8,57%, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành trong nước, tạo động lực để Bình Định vững tin cho hành trình phát triển mới.
Tự tin vững bước
Giai đoạn 2023 - 2025, Bình Định tiếp tục tập trung đầu tư phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính. Đó là phát triển công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics; nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh làm các khâu đột phá.
Xí nghiệp may Tam Quan (TX Hoài Nhơn) đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh: TIẾN SỸ
Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Muốn duy trì và phát triển kinh tế thì cần phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo điều hành phát triển KT-XH theo phương án tăng trưởng cao, quyết tâm đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 7,5%.
Thống nhất định hướng và mục tiêu chung, ngay sau cuộc họp đánh giá tình hình KT-XH năm 2022, cả tỉnh đã bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mới. Ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Chúng tôi cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư lành mạnh; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các DN để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện để DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Sở KH&ĐT cũng sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến đầu tư ở những thị trường có nền kinh tế phát triển, thu hút các dự án có quy mô lớn, quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển. Cùng với đó, tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo chất lượng, khoa học và khả thi.
Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM hiện đại, văn minh. Trong khi đó, Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tập trung công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, đồng thời rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho hay: Năm 2023, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo kế hoạch doanh thu 52.297 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.059 tỷ đồng, chúng tôi quyết tâm thu hút thêm nhiều dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư là 23.489 tỷ đồng.
Các đơn vị khác đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị theo hướng hiện đại; đồng thời triển khai các gói kích cầu dịch vụ, du lịch, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp, đầu tư sửa chữa, tu bổ các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử và phát triển các dự án du lịch sinh thái ven biển; hình thành những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, có sức hút du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH.
TIẾN SỸ