Tạo dấu ấn bằng những đột phá
Đào tạo mũi nhọn song hành với giáo dục toàn diện, giữ vững thành quả giáo dục đại trà, dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở trường lớp…, đó là những dấu ấn của ngành Giáo dục tỉnh trong năm qua.
Không chờ trường kêu khó
Ông Lê Ngọc Liêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 2 Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn) vẫn nhớ như in niềm vui khi trường được đầu tư xây mới tòa nhà cao tầng có 18 phòng học và phòng bộ môn, được đưa vào sử dụng ngay trước thềm năm học 2022- 2023. Mừng là bởi năm 2020, việc xây mới trường được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023 - 2025, nhưng không ngờ lại được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với 6 phòng học còn lại trước đó, việc dạy và học thuận tiện hơn nhiều khi đảm bảo 17 lớp có 17 phòng học, hơn thế còn có cơ sở đầu tư được nhà ăn, bếp bán trú cho học sinh. Từ chỗ chỉ vài chục học sinh bán trú, đến nay tăng vọt 343 em.
“Bán trú là cấp thiết để tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh đó cũng giúp cho gia đình trẻ yên tâm hơn với công việc. Từ ban giám hiệu nhà trường cho đến giáo viên đều thêm việc, mỗi ngày đi sớm và về trễ hơn để chăm chút bữa ăn cho các con, nhưng hơn tất thảy đó là niềm vui của chúng tôi!”, ông Liêm chia sẻ.
Trường Tiểu học Số 2 Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn) được đầu tư cơ sở trường lớp mới. Ảnh: M.H
Mục tiêu tầng hóa, kiên cố hóa trường lớp tại Hoài Nhơn đã cơ bản hoàn thành khi 66/67 trường công lập đều đã được đầu tư mới. Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nguyễn Thị Hoài Anh khẳng định: “Chúng tôi lo trước chứ không chờ trường kêu. Ưu tiên đầu tư trước cho trường vùng khó, trường xuống cấp. Đến cuối năm 2022 hoàn tất đầu tư cho các trường từ mầm non đến THCS, cơ bản đáp ứng mỗi lớp 1 phòng học; đặc biệt 100% trường mầm non và tiểu học mở bán trú, với 76,45% học sinh bán trú. Tháo gỡ được điểm nghẽn về cơ sở vật chất, 56/61 trường đã nhanh chóng “cập bến” chuẩn quốc gia”.
Trong khi không ít địa phương vẫn còn khó với đầu tư cơ sở vật chất trường lớp thì tại Bình Định đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 85%. Ở những miền đất mà bàn chân đặt đến còn khó, nay đã ngời lên sức sống của những điểm trường được xây mới khang trang.
Nếu trước đây, trong 3 huyện miền núi chỉ có An Lão dạy bán trú ở 7/10 trường mầm non thì nay các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh cũng “phủ sóng” bán trú. Những ngày cuối năm 2022, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Phạm Minh Chấn thông báo tin vui khi hơn 160 trẻ Trường Mẫu giáo Canh Hiển đã được học bán trú. Trường Mẫu giáo Canh Liên đang được đầu tư khi hoàn thiện sẽ tiếp tục mở, đảm bảo 7/7 trường khối mầm non, mẫu giáo đều có bán trú. Khoảng cách dạy và học giữa miền núi với miền xuôi theo đó cũng được thu hẹp dần.
Ngay địa phương đi sau như huyện Phù Cát đến giờ cũng đã ưu tiên đáng kể cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, mở bán trú mầm non, mẫu giáo. “Đặc biệt, với các nguồn đầu tư lồng ghép từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, Phù Cát sẽ xóa điểm lẻ trường mẫu giáo, đây là điều chúng tôi quyết tâm thực hiện”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Tấn Hưng cho hay.
Đào tạo mũi nhọn song hành với giáo dục toàn diện
Chiến lược GD&ĐT của tỉnh Bình Định nhiều năm qua được các trường cụ thể hóa trong chiến lược giáo dục của mình.
Với mục tiêu vừa giữ vững chất lượng đại trà, vừa đảm bảo chức năng tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn quán triệt tinh thần dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là chất lượng rèn luyện mũi nhọn. Học sinh của trường ghi dấu ấn tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia đầu năm 2022, trường dẫn đầu với 21/34 học sinh đạt giải. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, trường thắng áp đảo với 8/10 giải nhất.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gặt hái nhiều “trái ngọt” với định hướng chiến lược giáo dục mũi nhọn song hành giáo dục toàn diện. Ảnh: M.H
Ông Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chia sẻ: Các em học sinh phải có năng khiếu vượt trội về môn chuyên và có năng lực học tập tốt các môn học khác. Vì thế, khi tham gia các đội dự tuyển rồi đội tuyển chính thức của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các em vững tin và tập trung cao nhất cho việc học tập môn chuyên. Bởi chính năng lực học tập tốt các môn học giúp các em có phương pháp tư duy, cách tiếp cận kiến thức tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn khi tham gia học môn chuyên. Kiến thức cơ bản vững chắc cũng giúp các em nhanh chóng lấy lại cân bằng kiến thức cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT sau thời gian tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi. Với phương châm này, nhiều năm nay, chất lượng học sinh giỏi của trường luôn cao. Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều giải pháp tích cực ở các lĩnh vực để đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, ở tất cả cấp học, thời điểm nào ngành GD&ĐT cũng đều có những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc và các học sinh giỏi, tiềm năng. Điều đặc biệt ở kỳ thi học sinh giỏi THPT toàn quốc đầu năm 2022 là ở bộ môn Hóa học, đội tuyển tỉnh Bình Định lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT cho phép chọn 10 thí sinh dự thi và đều đạt giải (2 giải nhì, 7 giải ba, 1 giải khuyến khích). So với các tỉnh thuộc cụm thi đua số 3 gồm 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, số lượng giải học sinh giỏi quốc gia 2022 của Bình Định xếp thứ hai. Chất lượng giáo dục toàn diện cũng được minh chứng rõ khi tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT đạt 98,43% dù việc dạy và học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
“Có được kết quả trên, toàn ngành đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu với nhiều hình thức phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên phấn đấu, khẳng định năng lực, bản lĩnh, tính sáng tạo của mình. Đặc biệt, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường luôn kiên định phương châm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi trên nền tảng giáo dục cơ bản, toàn diện, vững chắc”, ông Đào Đức Tuấn nhấn mạnh.
MAI HOÀNG