Không nên đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch
Thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch lúa Ðông Xuân, đồng thời triển khai sản xuất vụ Hè Thu. Nhiều bà con nông dân đã tổ chức đốt rơm rạ ngay trên đồng sau khi thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái đất sản xuất.
Nhiều bà con cho rằng, việc đốt đồng mang lại nhiều cái lợi. Trước tiên là không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch; đồng thời, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng. Ngoài ra, còn tạo một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất…
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, phần gây hại do việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Trước hết, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt đồng sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.
Một tác hại khác của đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, khi đốt rơm rạ trên đồng không chỉ có khí CO2 (dioxid cacbon) hòa vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2 (dioxid sunfur), gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính, khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, đốt đồng còn là một sự lãng phí lớn, bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất. Theo tính toán, mỗi héc ta đất trồng lúa với năng suất bình quân là 6-7 tấn/vụ, thì sẽ lấy đi trong đất một lượng đạm khoảng 60-70kg, lượng lân 35kg và lượng kali 150 kg. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, nên cần trả lại cho đất thông qua việc xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón. Bên cạnh đó, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại thiên địch có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái, một trong những nguyên nhân gây phát sinh sâu bệnh trên đồng ruộng.
Để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch một cách hợp lý, bà con nông dân nên mang hết rơm rạ ra khỏi ruộng để trồng nấm nhằm tăng thêm thu nhập. Những bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng. Một biện pháp khác cũng được khuyến cáo thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Có thể cho gia súc ăn rơm khô hoặc ủ với 4-5% urê để làm tăng khả năng tiêu hóa. Sau đó sử dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón lại đồng ruộng.
Ngoài ra, bà con có thể ủ rơm rạ tại đồng ruộng để bón lại cho đất. Để rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng chế phẩm Trico phun lên rơm rạ, hoặc dùng vôi bột rải vào ruộng trước khi cày xới. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn.
Để xóa bỏ việc đốt đồng, nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, và duy trì độ màu mỡ của đất, bà con nông dân không nên đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch.
GIA KHƯƠNG
Tôi cũng ở miền nông thôn, gắn bó với bà con làm ruộng nên tôi biết! Ý kiến của anh Gia Khương nói là có lý, nhưng chưa hợp với thực tế! Vì sao? Bà con nông dân chúng ta không hề đốt rơm, mà chỉ đốt rạ! Bởi bà con dùng rơm cho trâu bò ăn, còn không thì họ bán rơm ngay tại ruộng. Gía rơm bây giờ khá đắt: 1 sào ruộng bán rơm giá ít nhất cũng 50 ngàn, cao nhất cũng lên đến 80-90 ngàn đồng. Dân nuôi bò lai, vỗ béo bò hoặc người trồng nấm mua rơm mạnh lắm! Do đó, không đâu có chuyện đốt rơm. Do vậy chỉ có đốt rạ? Tại sao phải đốt? Vì không có cách nào hơn để xử lý tình cảnh này! Rạ ở đây còn lại trên ruộng là do bây giờ cắt máy nhiều! Nếu cắt máy cầm tay, hoặc máy cắt đẩy thì cọng rạ còn lại trên ruộng ngắn, dễ xử lý, bà con xả nước vào và cày chung với đất luôn. Nhưng đối với máy cắt lúa gặt đập liên hợp thì cọng rạ còn cao, khoảng 1 gang rưỡi tay, nên khá dài, chỉ có cách đốt là nhanh nhất để kịp làm vụ tiếp theo. Nếu không làm vụ tiếp theo thì để cho nó khô héo và mục sau mỗi mùa mưa.