Người dân đồng thuận khi bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.1.2023
Từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Việc làm này được người dân đồng tình ủng hộ, bởi việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân.
Trong suốt nhiều năm nay, sổ hộ khẩu luôn là giấy tờ quan trọng chứng minh thông tin cư trú trong phần lớn các thủ tục hành chính. Từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Vì vậy, để sẵn sàng cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, lực lượng Công an trên cả nước dồn lực bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" để người dân có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết yếu mà không cần sổ hộ khẩu giấy.
Từ lâu, sổ hộ khẩu giấy là loại giấy tờ đã gắn bó với hầu hết người dân. Vì là giấy nên việc bảo quản, sử dụng sổ hộ khẩu đôi lúc còn gặp nhiều bất tiện như: Rách, ẩm ướt, thất lạc. Tuy nhiên, sau ngày 31.12, sổ hộ khẩu giấy đã bị “khai tử” để chuyển sang phương thức quản lý mới trên môi trường điện tử bằng hình thức sử dụng Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sổ hộ khẩu giấy.
Việc làm này được người dân đồng tình ủng hộ, bởi việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân theo Luật Cử trú sửa đổi năm 2020 đem lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và công dân. Bởi , mỗi lần đi làm thủ tục hành chính, người dân dù xuất trình hàng loạt giấy tờ tùy thân song vẫn bị yêu cầu phải có sổ hộ khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, Nhà nước bỏ sổ hộ khẩu là rất hợp lý, thuận tiện cho người dân. Từ bây giờ người dân không phải lo cất giữ, không phải lo mất sổ hộ khẩu khi mà mọi thông tin đã được tích hợp vào căn cước công dân gắn chíp và cập nhật vào mã định danh cá nhân.
“Đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng nên tôi thấy làm thế này rất hợp lý và người dân chúng tôi rất đồng tình. Thời gian qua lực lượng công an đẩy mạnh làm căn cước công dân tôi thấy thế là rất hợp lý” - ông Hùng cho hay.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn ở quận Ba Đình nói: “Mỗi lần đi làm công chứng rất phức tạp, hộ khẩu dùng nhiều về sau bị rách nát do dùng quà nhiều. Tôi thấy nếu tích hợp được hết thì việc này rất có lợi cho người dân”.
Chuẩn bị sẵn sàng cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.1.2023, lực lượng Công an trên cả nước dồn lực bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống". Ngoài việc rà soát cấp thẻ căn cước công dân, lực lượng công an còn xác lập lại số định danh cá nhân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đến thời điểm này, công dân trong độ tuổi đủ điều kiện đã được cấp căn cước công dân gắn chíp.
Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội.
Tại Hà Nội, từ đầu tháng 10, Công an toàn thành phố đã phát động triển khai cao điểm “90 ngày đêm” nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai Luật Cư trú năm 2020 và Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Công an thành phố đã cấp được hơn 6,5 triệu căn cước công dân gắn chíp cho tất cả các công dân từ đủ 14 tuổi trở lên hiện đang cư trú, làm việc trên địa bàn có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Đồng thời công an thành phố đã cấp hơn 4 triệu tài khoản định danh điện tử ở mức độ 2.
Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội cho biết: “Tất cả các dữ liệu này đã được chia sẻ đối với các sở, ban, ngành. Sau đó thì lực lượng công an đã chuẩn bị đầy đủ dữ liệu. Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng đã tái cấu trúc các quy trình để đảm bảo khi sổ hộ khẩu, giấy thường trú không còn giá trị dụng thì tất cả các dữ liệu này được chia sẻ trực tuyến trên hệ thống dữ liệu quốc gia dân cư”.
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng hướng dẫn các bộ ngành các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06) cho biết đến nay, hệ thống đã thu nhận gần 19 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Công tác cấp căn cước công dân gắp chip điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử để tạo thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Riêng ngành công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nói: “Sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực người dân có thể sử dụng: Một là sử dụng căn cước công dân gắn chip. Hai là công dân, cơ quan, tổ chức dùng thiết bị đọc mã Qr Code ở căn cước công dân gắn chip. Ba là công dân cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên cơ sở căn cước công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Bốn là người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú".
Người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy
Hiện nay, Bộ Công an đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ thông tin trên căn cước công dân gắn chip thông báo số định danh cá nhân xác nhận thông tin về cư trú để xác định cư trú của công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính”.
Các cơ quan chức năng đã thống nhất quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Người dân sẽ không phải mang nhiều giấy tờ, bớt đi lại nhiều lần, thậm chí chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể hoàn thành thủ tục, không cần phải đến trụ sở UBND phường. Còn phía chính quyền khi giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến tính chính xác trong văn bản hồ sơ cũng được đảm bảo hơn, đồng thời rút ngắn thời gian, giải quyết nhanh các thủ tục cho người dân hơn.
Theo Việt Cường (VOV1)