Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam
Sáng 1.1, ngày đầu tiên năm mới 2023, Lễ khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra đồng loạt tại 12 tỉnh, thành phố; trong đó có dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Lễ khởi công được Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. Lễ khởi công được kết nối đồng bộ trực tuyến tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần trên địa bàn 9 tỉnh; trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại tỉnh Quảng Ngãi, hai điểm cầu chính được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hậu Giang và 9 điểm trực tuyến khác.
Quang cảnh lễ khởi công.
Tham dự lễ khởi công tại điểm cầu trung tâm tỉnh Quảng Ngãi có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các Bộ, ban, ngành và các địa phương; đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự lễ tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tham dự điểm cầu tại tỉnh Quảng Ngãi.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tham dự lễ khởi công tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bình Định.
Tại Bình Định có 1 điểm cầu trực tuyến được tổ chức tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân). Về phía Trung ương có các đồng chí: Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT). Phía tỉnh có đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; chủ đầu tư, đơn vị thi công và đông đảo người dân 30 xã, phường, thị trấn có tuyến cao tốc đi qua.
Bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, bao gồm cả 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31.12.2022.
Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Hiện nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417 km, như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án, trong đó có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147 nghìn tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Đến nay, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công.
Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi qua có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận. Đến nay, các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan đơn vị liên quan của ngành GTVT, đến nay, toàn bộ 12 dự án thành phần ủa dự án đã đủ điều kiện khởi công.
“Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành; sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Bộ GTVT trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong khu vực dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Cam kết đưa dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng
Tại Bình Định, dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, dự án do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp là Tổng Công ty Trường Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng). Tổng chiều dài dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài 70,1 km. Theo đó, dự án bắt đầu tại phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn), kết nối với điểm cuối dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Điểm cuối tại nút giao QL19, thuộc phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), kết nối với điểm đầu dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Các đại biểu tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bình Định nghe phát biểu của Thủ tướng Chính phủ.
Cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trong đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn 12.401 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã bàn giao mặt bằng thi công có chiều dài tổng cộng 57,23 km (đạt 81,64%) cho chủ đầu tư. Đồng thời, dự kiến xây dựng 25 khu tái định cư với diện tích khoảng 63 ha để bố trí cho khoảng 823 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), báo cáo triển khai dự án cao tốc đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Định.
Ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, cho hay dự án đưa vào khởi công đúng tiến độ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định.
Ban quản lý dự án 85 cam kết nỗ lực thực hiện đưa dự án về đích đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và thi công ảnh hưởng ít nhất đến người dân trong khu vực. Đồng thời, đề nghị Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cùng đơn vị tư vấn giám sát huy động ngay hệ thống quản lý và triển khai thi công theo đúng các mốc kế hoạch thống nhất đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Tuyến đường là hành lang vận tải quan trọng nhất, là mong mỏi của nhân dân cả nước
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. Ảnh: VGP
Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km.
“Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 4, từ trái sang) và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: VGP
Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (thứ 3, từ phải sang) tham gia nghi thức khởi công tại điểm cầu trực tuyến trung tâm tỉnh Quảng Ngãi.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, như phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; việc thi công khối lượng rất lớn trên nhiều địa bàn khác nhau, trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.
Thủ tướng nói: Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tiến độ, không tăng mức đầu tư, đội vốn. Đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Không để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tinh thần đã nói là phải làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có hiệu quả.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
UBND 32 tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ. Thủ tướng yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 100% diện tích trong quý 2/2023.
“Các đơn vị phải quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công
Tại buổi lễ, Bộ GTVT chính thức phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, bắt đầu từ ngày 6.1 đến hết ngày 6.2.2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xảy ra sai phạm.
Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho Nhân dân trong quá trình triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và tiết kiệm tối đa chi phí.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng phát động tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công từ ngày 1 - 31.1.2023. Bộ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; công tác thanh quyết toán, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sáng kiến của các Bộ về phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông và tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, nhân dân và DN cả nước phải quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động để tạo cao trào thi đua giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả thiết thực. Trong đó, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc tác động đến dự án đầu tư công.
***
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng tham gia nghi thức bấm nút khởi công dự án tại điểm cầu trung tâm tỉnh Quảng Ngãi.
Các đại biểu tại điểm cầu Bình Định thực hiện nghi thức bấm nút khởi công dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn.
Các đơn vị sẵn sàng thi công dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn.
Khu vực dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện Hoài Ân.
Tại 12 điểm cầu, nghi thức bấm nút khởi công đồng loạt 12 dự án thuộc Dự án đầu tư công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng được thực hiện.
THU HIỀN