Lên Sa Pa dệt thổ cẩm, dệt những ước mơ
Yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, anh Võ Văn Tài (SN 1979, quê ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng (ở TX Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã tìm cách thổi hồn vào sản phẩm thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo này.
Duyên vợ chồng, duyên với thổ cẩm Sa Pa
Có dịp lên Sa Pa, ghé đến cửa hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm truyền thống của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng (Công ty Lan Rừng) tại số 29A, phố Cầu Mây, phường Sa Pa (TX Sa Pa) của anh Võ Văn Tài, người ta dễ bị cuốn hút bởi các sản phẩm quần áo, túi xách, đến những bức tranh tơ (tranh đinh chỉ)… được thêu hoa văn sặc sỡ, thể hiện sự tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Xa Phó, Giáy ở Sa Pa.
Du khách tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Lan Rừng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dẫn chúng tôi tham quan khu trưng bày, anh Tài kể: “Tôi là con út trong gia đình đông con. Cuộc sống khó khăn, tôi học hết lớp 9 rồi đi nghĩa vụ quân sự. Khi trở về, tôi mưu sinh bằng nhiều nghề. Năm 2003, tôi lên Sa Pa chơi, rồi quen vợ và lập gia đình, sinh sống luôn ở đây. Vợ chồng tôi theo nghề bán hàng thổ cẩm của nhà vợ, tôi bén duyên và thành công với nghề dệt thổ cẩm từ đó”.
Trước đây, gia đình anh Tài có một cửa hàng bán hàng lưu niệm nhỏ ở trung tâm TX Sa Pa. Khi ngành du lịch Sa Pa phát triển mạnh, nhiều dịch vụ phát triển theo, người làm thổ cẩm truyền thống càng ít đi, bởi sản phẩm dệt thủ công không cạnh tranh được với sản phẩm thổ cẩm công nghiệp của Trung Quốc sản xuất bán với giá rẻ.
Anh Tài chia sẻ: “Thổ cẩm truyền thống mang hồn cốt của các dân tộc bản địa ở Sa Pa dần bị mai một khiến tôi trăn trở và nghĩ cách làm sao để bà con vừa gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa có thu nhập. Cũng từ đó, năm 2019, Công ty Lan Rừng ra đời. Chúng tôi liên kết mua gom toàn bộ thổ cẩm, sợi lanh, vải thô do bà con làm ra, rồi hoàn thiện thành sản phẩm đạt chuẩn để tiêu thụ; đồng thời, đào tạo nghề để bà con giữ nghề, cho họ làm việc tại Công ty với mức thu nhập ổn định”.
Mang “sứ mệnh” mới đến thổ cẩm truyền thống
Yêu thích thổ cẩm, anh Tài tự tìm tòi ra nét độc đáo, khác biệt của văn hóa thổ cẩm các dân tộc ở Sa Pa thể hiện trên trang phục, như cỏ cây, hoa lá, mây trời…, đặc biệt là cách sử dụng vải dệt từ sợi cây lanh, cây đay, nhuộm màu bằng cây chàm với các công đoạn hoàn toàn bằng thủ công. Từ đó, anh Tài phát triển thêm dòng sản phẩm thổ cẩm trang trí nội thất, như màn, rèm, nệm, tranh treo tường, gối, bọc sofa, đèn trang trí… với những họa tiết, hoa văn được thiết kế, cải biên mang hơi hướng đương đại nhưng vẫn giữ được nét riêng của thổ cẩm truyền thống.
Anh Tài (thứ hai từ trái sang) giới thiệu sản phẩm cho du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Anh Tài kể: “Trước đây, mặt hàng thổ cẩm truyền thống mình bán là những cái mình có sẵn, kén khách. Bây giờ mình sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất trên nền chất liệu thổ cẩm truyền thống của các dân tộc ở Sa Pa để phục vụ theo nhu cầu, tức là bán sản phẩm mà khách hàng cần. Nhờ đó, khách hàng biết và tìm đến với chúng tôi nhiều hơn, đối tác của Công ty là những khách sạn, tập đoàn lớn ở Sa Pa, đến các nơi khác ở trong nước, thậm chí sản phẩm còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản”.
Đến nay, Công ty Lan Rừng có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Công ty đang đầu tư khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm với quy mô 10.000 m2, tại phường Sa Pa (TX Sa Pa) để du khách đến check-in, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa.
“Bình Định quê mình có nhiều di sản văn hóa, như nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử độc đáo như các tháp Chăm… Tôi cũng tính sẽ về Bình Định khảo sát, liên kết với các DN du lịch ở quê nhà đưa các sản phẩm thổ cẩm ở Sa Pa về Bình Định, rồi mang sản phẩm du lịch, quà lưu niệm của Bình Định đến với Sa Pa để góp phần giới thiệu văn hóa của vùng “đất Võ, trời Văn” đến với du khách trong và ngoài nước”, anh Tài chia sẻ.
NGỌC NHUẬN