Vượt qua đại dịch, nắm bắt kỹ thuật điều trị mới
Khi hỏi ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế về thành tựu của ngành y tế trong năm nay, ông trả lời ngay: Chiến thắng được đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và sớm trở lại nhịp sống bình thường là thành tựu rất lớn!
Kiểm soát dịch, phục hồi tốt
Hồi tưởng về giai đoạn cả tỉnh chung tay phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Quang Hùng chia sẻ: Chúng ta đang sống trong giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt nên cảm thấy Covid-19 như đã qua lâu, nhưng thực ra mới giữa đầu năm 2022 chúng ta vẫn còn phải đối mặt với số ca mắc tăng cao. Rất may nhờ kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, điều trị phù hợp, sáng tạo, linh động, chúng ta kiểm soát dịch hiệu quả. Nhưng sau đó là những khó khăn hậu Covid-19. Và cũng rất may nhờ lường trước những điều đó nên chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, không gặp nhiều khó khăn như các địa phương khác.
Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) triển khai kỹ thuật tán sỏi thận qua da do các bác sĩ ở Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chuyển giao. Ảnh: T. KHUY
Trong khó khăn luôn có những cơ hội và ở giai đoạn đó, ngành y tế triển khai hội chẩn từ xa (một nội dung trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa) để xử trí các ca bệnh khó và duy trì tốt cho đến nay. Vài tháng trước, Khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi nữ bị dị dạng sinh dục hiếm gặp (chỉ chiếm 5% trong số các dị dạng sinh dục nữ). Đặc biệt, ca bệnh được hội chẩn từ xa với TS.BS Phạm Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2) và TS.BS Lê Thanh Hùng (Trưởng khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1). Các bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ, tư vấn chính xác để các bác sĩ ở Bình Định xử lý thành công trường hợp này.
Trò chuyện với chúng tôi nhiều lần, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số. Theo ông, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, trong đó có những hoạt động cụ thể, như: Bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử công dân, khám chữa bệnh từ xa... Và tỉnh Bình Định là một trong những địa phương chủ động, chuẩn bị tốt điều này. Trong nhiệm vụ khám chữa bệnh từ xa có nhiều hoạt động khác nhau. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã tham gia hội chẩn với các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội... để xử lý các ca bệnh nặng và học tập kinh nghiệm. Có những lần phải hội chẩn tận giường bệnh và đã cứu được các ca thập tử nhất sinh.
Không ngừng cập nhật kiến thức mới
Tháng 5.2022, BVĐK tỉnh tổ chức Hội nghị Khoa học Nam Trung bộ “Tiến bộ mới trong điều trị sỏi mật, sỏi tiết niệu bằng laser”. Từ đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, BVĐK tỉnh triển khai các kỹ thuật mới như tán sỏi thận qua da, tán sỏi thận ống mềm, tán sỏi mật qua da. Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Khoa Ngoại Tiết niệu đã có 14 năm tuổi, hầu hết các kỹ thuật ít xâm lấn phát triển rất mạnh, làm thường quy. Kiến thức, kỹ thuật không ngừng đổi mới, trong điều kiện và khả năng của mình, chúng tôi luôn cố gắng học hỏi, cập nhật để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Hơn nữa, tán sỏi mật qua da là phương pháp khó và BVĐK tỉnh Bình Định là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên từ khu vực Nam Trung bộ trở vào thực hiện kỹ thuật này. Bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh), cho biết: Chúng tôi thấy kỹ thuật này hay nên đã chủ động đăng ký học tập và cử êkip ra Bệnh viện ĐH Y Hà Nội học tập. Cùng với đó, tại BVĐK tỉnh, chúng tôi chuẩn bị trang thiết bị, máy móc sẵn sàng để các chuyên gia có thể đến cầm tay chỉ việc ngay tại đây.
Không chỉ tuyến tỉnh, cơ sở y tế tuyến huyện cũng tập trung đầu tư cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới. Bác sĩ CKII Bành Quang Khải, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, chia sẻ: Chúng tôi rất coi trọng việc phát triển kỹ thuật mới. Điều này vừa có thể nâng cao năng lực, vừa tăng thêm uy tín và đặt biệt là nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2022, TTYT TP Quy Nhơn triển khai các kỹ thuật mới ở lĩnh vực chấn thương chỉnh hình với sự hỗ trợ của máy C-arm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã triển khai các kỹ thuật mới chuyên sâu về nội soi tiêu hóa can thiệp. Tất cả những kỹ thuật này đều ít xâm lấn, giảm đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhanh phục hồi cho bệnh nhân.
Nhiều tin vui cho y tế cơ sở
Mới đây, sau khi hoàn thành buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Trường Tiểu học số 1 Phước Thành (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), ông Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, chia sẻ: Đây là lần thứ 6 tôi đến đây để tổ chức tiêm mũi nhắc lại, tính 2 lần tiêm mũi chính nữa là lần thứ 8. Và sẽ có lần sau nữa. Để bao phủ vắc xin, dù là lúc dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng có những ngày chúng tôi cũng phải tổ chức đến 9 điểm tiêm.
Nhân viên TTYT huyện Tuy Phước tiêm vắc xin phòng Covid-19 để duy trì miễn dịch cộng đồng. Ảnh: T. KHUY
Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ tầm quan trọng của y tế cơ sở và những lỗ hổng của tuyến y tế này. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2022 - 2025. Đề án cùng Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Trung ương tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các TTYT, xây dựng mới và sửa chữa các trạm y tế trên các địa bàn ưu tiên, bổ sung trang thiết bị, phát triển nhân lực. Theo ông Lê Quang Hùng, y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, là tuyến đầu, rất gần dân, sẽ là nền tảng của hệ thống y tế. Đề án này được ban hành rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với y tế cơ sở.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, Bình Định còn là 1 trong 5 địa phương được Bộ Y tế, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đầu tư trang thiết bị, phần mềm cho Sở Y tế và 15 trạm y tế để triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa. Đây là bước đệm để mô hình có thể triển khai trong toàn tỉnh.
THẢO KHUY