Kỳ vọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Chương trình hành động số 07-Ctr/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh. Cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực giữa các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, mở rộng hội nhập và giao lưu với khu vực, quốc tế.
Nâng cao chất lượng nhân lực
Nguồn NLCLC là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng, là nhóm tinh túy nhất trong tổng thể nguồn nhân lực. Vì vậy, khi nói đến nguồn NLCLC không thể không đặt nó trong tổng thể vấn đề chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động, sự phát triển KT-XH của tỉnh, công tác phân luồng được chú trọng nhằm nâng cao sự hiểu biết về bản thân, nghề nghiệp trong học sinh để đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề đúng đắn, phù hợp, góp phần tạo nên lực lượng lao động chất lượng. Hằng năm, TP Quy Nhơn chỉ tuyển từ 35%, các huyện đồng bằng, trung du chỉ tuyển 43%, các huyện miền núi chỉ tuyển 80% học sinh sau bậc THCS vào học lớp 10 THPT công lập. Nhóm còn lại có thể lựa chọn vào học THPT công lập tự chủ hoặc tư thục, hệ giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tập trung nhiệm vụ đào tạo đội ngũ công nhân, người lao động lành nghề bậc cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Ảnh: N.M
Đối với công tác đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao, Bình Định đã hoàn thành sáp nhập Trường CĐ Bình Định vào Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn nhằm tinh, gọn hệ thống đào tạo nghề. Hoạt động của nhà trường đã ổn định, tiếp tục sứ mệnh đào tạo công nhân lành nghề bậc cao cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lao động có tay nghề cao cho các ngành dịch vụ và lao động xuất khẩu; là một trong những trường nghề chất lượng cao của cả nước.
Năm 2021, tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, lần đầu tiên 100% giáo viên dạy nghề tham gia Hội giảng đều đạt giải và cũng là năm tỉnh Bình Định đạt giải cao nhất từ trước đến nay với 1 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường mô hình đào tạo gắn với DN, giải quyết việc làm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 60% (đạt 101% so với kế hoạch).
Chú trọng các ngành, nghề mũi nhọn
Trong định hướng chung về đào tạo, thu hút nhân lực gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, các ngành đều tập trung phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là mục tiêu quan trọng hằng năm.
Theo Sở Y tế, năm 2021, số lượng bác sĩ, dược sĩ tuyển dụng theo diện thu hút là 18 người với tổng kinh phí thu hút 1,91 tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng làm giảm tình trạng thiếu hụt bác sĩ, dược sĩ, đáp ứng tốt hơn cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.
Tạo động lực từ cơ chế, chính sách mới
Nhằm phát triển nguồn NLCLC trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 23.3.2022 về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 10.7.2015 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách thu hút và ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 về Quy định chính sách thu hút nguồn NLCLC và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025 được xem là động lực thu hút NLCLC, hỗ trợ phát triển nguồn NLCLC của tỉnh trong thời gian tới. Chính sách nhận được sự quan tâm của lực lượng trí thức, lao động, những người làm công tác đào tạo… trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục xây dựng dự thảo chính sách, kế hoạch, đề án, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách tạo động lực cho công tác thu hút NLCLC, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Góp sức cho mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được đẩy mạnh. Thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các hộ dân tại xã An Toàn (huyện An Lão), làng hoa Bình Lâm (huyện Tuy Phước), làng rau Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn); tổ chức 2 lớp truyền thông du lịch cộng đồng tại huyện An Lão và huyện Vĩnh Thạnh với hơn 160 hộ dân tham gia; tập huấn về chuyển đổi số và nghiệp vụ du lịch; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong các cơ sở kinh doanh du lịch…
Đặc biệt, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động ký kết với các đơn vị đào tạo nhằm cung ứng nhân lực chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. UBND tỉnh và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, bám sát lĩnh vực trọng điểm: Quy hoạch đô thị, Kiến trúc, Luật, Thống kê, Tài chính - Ngân hàng, Ngôn ngữ nước ngoài, Khoa học máy tính - Tin học, Khoa học Môi trường, Công nghệ sinh học, Dược, Năng lượng tái tạo, Quản trị doanh nghiệp, Quản lý & phát triển du lịch, Quan hệ lao động… UBND tỉnh và Trường ĐH Quy Nhơn đã thống nhất Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 về đào tạo, phát triển nguồn NLCLC thuộc các lĩnh vực về năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, logistics…
Nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn thuộc các lĩnh vực dịch tễ, ký sinh trùng, côn trùng cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, UBND tỉnh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2022 - 2025.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG: Tăng cường tuyển dụng và giữ chân bác sĩ
Ngoài các chính sách chung của tỉnh, ngành Y tế được tỉnh quan tâm ban hành chính sách thu hút và ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ. Trong giai đoạn 2016 - 2021, nhờ thực hiện chính sách này, Sở Y tế đã tuyển dụng được 396 bác sĩ (gấp 6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015), trong đó bác sĩ diện thu hút là 154, diện không thu hút là 242. Chính sách thu hút, ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ giúp bác sĩ, dược sĩ công tác tại tỉnh trong diện được hưởng có nguồn tăng thu nhập ổn định (khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng), góp phần ổn định cuộc sống, tạo động lực phấn đấu trong công tác; giảm số lượng bác sĩ nghỉ việc, bỏ việc và giúp cho các cơ sở y tế giảm bớt khó khăn hơn vì thiếu nguồn nhân lực.
Thời gian đến, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp để tăng cường việc tuyển dụng và giữ chân bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở như: Giới thiệu chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh đối với bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế để nhiều bác sĩ mới ra trường biết về chính sách của tỉnh; tăng số lần tổ chức tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ; thực hiện tốt chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh đối với bác sĩ, dược sĩ.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tạo môi trường làm việc tốt để giữ chân lực lượng bác sĩ, như bố trí vị trí việc làm phù hợp với nguyện vọng khi đăng ký tuyển dụng, tạo điều kiện cho bác sĩ được đi học sau đại học khi đủ điều kiện; tạo điều kiện được nâng cao tay nghề qua thực hành, bồi dưỡng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo từ cán bộ trẻ; cử đi đào tạo liên thông bác sĩ từ nguồn y sỹ tại chỗ.
Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng với nhu cầu triển khai và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị. Chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh cử nhân lực hỗ trợ khám chữa bệnh cho các đơn vị tuyến huyện bị thiếu hụt đột xuất. Hằng năm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới; cử bác sĩ tuyến xã luân phiên về làm việc tại tuyến huyện để nâng cao năng lực chuyên môn…
Trong năm 2023, Sở Y tế cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh.
Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn ÐỖ NGỌC MỸ: Xác định rõ ràng và truyền thông đầy đủ chính sách
Chúng tôi đánh giá cao Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách thu hút nguồn NLCLC và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025. Tại Điều 1 - Phạm vi điều chỉnh của chính sách, có đề cập đến chính sách thu hút nguồn NLCLC của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm khác biệt mang tính đột phá của chính sách so với nhiều tỉnh, thành khác, mở rộng phạm vi thu hút NLCLC đến với các đơn vị, cơ quan Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy tác dụng lan tỏa của chính sách, theo tôi cần có hướng dẫn cụ thể Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND đối với NLCLC về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Trung ương trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn như Trường ĐH Quy Nhơn, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa… Các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học... tại các cơ quan, đơn vị này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh một cách bền vững, góp phần thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, và đặc biệt là góp phần quan trọng cho công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Thực tế, Trường ĐH Quy Nhơn đã có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 07-Ctr/TU của Tỉnh ủy về Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định và bám sát kế hoạch này để triển khai thực hiện. Hội đồng trường cũng đã có Nghị quyết hỗ trợ tài chính cho nhân lực là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thuộc các lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu về công tác tại trường.
Từ năm 2021 đến nay, Trường ĐH Quy Nhơn đã thu hút được 3 tiến sĩ về công tác tại trường. Một số nhà khoa học có uy tín ở các trường đại học trong nước cũng đã liên hệ với nhà trường, trao đổi thông tin về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh, cân nhắc dự định về công tác tại trường.
Đối với nhiệm vụ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn đã có kế hoạch cụ thể và đang triển khai thực hiện. Trên lĩnh vực đào tạo giáo viên, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nhận “đặt hàng” của tỉnh về đào tạo nhân lực phục chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Về nhân lực ngoài sư phạm, trường đã tập trung đào tạo nhân lực du lịch - lữ hành, nhà hàng - khách sạn; công nghệ ô tô, ô tô điện; thu hút nhân lực, nâng cao chất lượng của các ngành logictics, trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu, hóa dược, năng lượng tái tạo, điều khiển và tự động hóa...
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TRỊNH XUÂN LONG: Nâng cao chất lượng cán bộ
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu đến năm 2025 đào tạo được 650 nhân lực sau đại học (thạc sĩ và tương đương trở lên) phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh; 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2021 và năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2022, tỉnh đã cử 22 CBCCVC đi đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp 1 tại các trường đại học trong và ngoài nước, được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.
Trong 2 năm (2021 - 2022), công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC được các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhờ triển khai thực hiện tốt các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy hoạch ở các cấp khá dồi dào, bảo đảm sự phát triển lâu dài. Đồng thời, cơ bản khắc phục tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như khắc phục việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Trình độ đội ngũ CBCCVC các cấp được nâng lên đáng kể.
Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng tiến độ và đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn VŨ VĂN ĐÔNG:
Cần “nhanh chân” hơn trong thu hút, đào tạo
Nguồn NLCLC từ trước tới nay luôn là vấn đề cấp thiết của Tập đoàn FPT cũng như Công ty FPT Software. Vì vậy, công ty và tập đoàn dành rất nhiều nguồn lực tài chính cũng như tâm huyết cho các dự án tại nhiều địa phương, trong đó có Bình Định.
Đến nay, chương trình phổ thông CĐ FPT tại Bình Định đã bắt đầu tuyển sinh hơn 100 sinh viên cho khóa đầu chuyên ngành Thương mại điện tử, Đồ họa, Quản lý khách sạn, Phát triển phần mềm. Chương trình Cao đẳng FPoly dự kiến tuyển sinh nhập học cho khóa đầu tiên vào tháng 8.2023 với mục tiêu đạt 400 sinh viên cho các ngành Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Digital marketing và Nhà hàng khách sạn. Chương trình ĐH FPT phân hiệu Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tuyển sinh được 2 khóa với hơn 800 em. Gần 2/3 quy mô tuyển sinh tập trung vào lĩnh vực Công nghệ thông tin, AI phù hợp với định hướng xây dựng Quy Nhơn trở thành thung lũng AI của Việt Nam và khu vực.
Ngoài các cơ sở phân hiệu đào tạo của FPT tại Quy Nhơn thì FPT Software cũng đang liên kết chặt chẽ với Trường ĐH Quy Nhơn, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn... về tư vấn tuyển sinh, thông tin các chương trình, nội dung gắn liền với nhu cầu nhân lực thực tế của công ty để giúp sinh viên có cơ hội việc làm tại FPT Software sau khi tốt nghiệp.
Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt lĩnh vực Công nghệ thông tin đang rất lớn. Riêng FPT Software tại Quy Nhơn có nhu cầu tăng trưởng nhân sự hằng năm tối thiểu là 30%. Hiện tại, các tổ chức đào tạo tại địa bàn chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu này. Vì vậy, rất cần sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, các cơ sở đào tạo trong tỉnh đối với công tác tuyển sinh; nếu không chúng ta sẽ bị chậm chân trong việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.
Năm 2023, FPT cũng bắt đầu triển khai giai đoạn 1 của dự án xây dựng trung tâm Đào tạo quốc tế của FPT Software tại Quy Nhơn. Khi hoàn thành, hằng năm, Trung tâm sẽ thu hút khoảng 9.000 sinh viên trong và ngoài nước, nhân viên mới gia nhập, tham gia đào tạo tập trung. Chúng tôi kỳ vọng dự án không chỉ phục vụ nhu cầu nguồn lực của FPT Software trong tương lai mà còn là biểu tượng của hoạt động hợp tác giữa Tập đoàn FPT và tỉnh Bình Định trên lĩnh vực đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao.
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)