Học giả Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với DOC và COC
Theo học giả Nga, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với sự ra đời của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Mới đây, tờ báo Orientalia Rossica đã đăng tải bài viết của Tiến sỹ Alexander Korolev, trường Kinh tế cao cấp Nga (HSE) với tựa đề “Biển Đông: luật pháp quốc tế và địa chính trị”, phân tích tình hình liên quan Biển Đông thời gian qua. Trong đó khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam đối với sự ra đời của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tiến sỹ Alexander Korolev (Nguồn: hse.ru)
Theo Tiến sỹ Alexander Korolev, cơ chế pháp lý quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông là trở ngại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở lợi ích của mình, các nước ASEAN đã tăng cường hợp tác tìm kiếm các biện pháp giải quyết xung đột ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong các nước ASEAN, nổi lên vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy các bên liên quan ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Việc thông qua Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông là một thành tựu quan trọng đối với cả các nước ASEAN và Trung Quốc. Đây là tiền đề cho đàm phán giữa các bên về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Học giả cũng khẳng định, Việt Nam là nước có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các bên liên quan đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tác giả bài báo cho rằng, bất chấp khó khăn, các bên sẽ quyết tâm cùng nhau thúc đẩy sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đây được coi là công cụ, giải pháp tốt nhất, làm cơ sở để các bên thể hiện sự kiềm chế, duy trì tình hình hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Theo học giả, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12.7.2016 là một sự kiện quan trọng trong diễn biến của cuộc xung đột quốc tế ở Biển Đông. Phán quyết được đưa ra dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố sự cần thiết phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Căn cứ vào phán quyết, mọi yêu sách của Trung Quốc liên quan đến “các quyền lịch sử” ở Biển Đông đều không có giá trị pháp lý. Học giả khẳng định, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, trong đó có Biển Đông.
Theo Đặng Cường (VOV)