Phù Cát phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Huyện Phù Cát có chiều dài bờ biển hơn 28 km, có 5 xã khu vực biên giới biển, có đầm Đề Gi rộng lớn và có cửa biển cho tàu thuyền ra vào, lại còn có tuyến ĐT 639 ven biển huyết mạch chạy qua. Do vậy, đây là tuyến phòng thủ quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với 853 tàu, thuyền, trong đó có 80% tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt trung bình hằng năm đạt trên 43.000 tấn hải sản các loại, Phù Cát là địa phương có nghề đánh bắt hải sản khá phát triển. Những năm gần đây, huyện có nhiều nỗ lực trong thành lập các tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình hành nghề và phòng, tránh những sự cố bất ngờ.
Để thực hiện tốt Luật Thủy sản, để ngư dân hiểu rõ và nghiêm túc chấp hành các quy định có liên quan đến việc triển khai chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đồng thời tích cực tham gia công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển, huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền pháp luật tại 118 điểm/6.700 lượt người tham dự, tổ chức cho 100% chủ tàu thuyền cam kết không vi phạm IUU.
Mua bán thủy sản tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát). Ảnh: THẾ HÀ
Ông Huỳnh Văn Thi, chủ tàu BĐ-93083TS, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, khẳng định: “Tham gia tổ đoàn kết trên biển, ngư dân chúng tôi được thuận lợi nhiều thứ. Các tàu trong tổ hỗ trợ nhau phương tiện đánh bắt, nhiên liệu, chia sẻ thông tin về ngư trường, luồng cá, bảo vệ nhau khi bị tàu nước ngoài uy hiếp, nhất là khi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Rồi khi các tàu trong tổ đánh bắt được, thay vì tất cả cùng chạy vào bờ để bán cá, chúng tôi chỉ cần cử một tàu đi, giúp các tàu vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa có nhiều thời gian hơn để đánh bắt”.
Bên cạnh đó, các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển còn hỗ trợ nhau trong việc bám biển, hoạt động an toàn trên biển. Đặc biệt, khi phát hiện có tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, các tàu tập trung đấu tranh, xua đuổi, báo cáo kịp thời cho BĐBP, cảnh sát biển, hải quân phối hợp xử lý, góp phần xây dựng kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chính nhờ hoạt động tích cực của các tổ, đội đoàn kết trên biển, ngư dân Phù Cát những năm gần đây đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn để tăng hiệu quả đánh bắt. Điều đó còn có ý nghĩa hơn, không chỉ về mặt kinh tế, khi mỗi con tàu vươn ra khơi xa chính là một cột mốc biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Trong chiến lược phát triển kinh tế biển giai đoạn 2020 - 2025, huyện Phù Cát đặt ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, để đến năm 2030, nguồn thu từ kinh tế biển chiếm 30 - 35% giá trị kinh tế của huyện. Trong đó, huyện đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tập trung nâng cấp cảng cá Đề Gi, mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ. Huyện cũng chú trọng công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển.
THẾ HÀ