Chạnh lòng chứng tích lịch sử Kim Tài
Cách đây hơn 47 năm, ngày 9.1.1966, 43 đồng bào gồm người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có 37 đồng bào ở thôn Kim Tài, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn bị lính Nam Triều Tiên xua đến nhà ông Phạm Đình Châu, thôn Kim Tài, xả súng giết chết rồi đốt xác.
Để tưởng niệm các nạn nhân, sau ngày giải phóng, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Phong xây dựng khu chứng tích ngay trên mảnh đất đã xảy ra vụ thảm sát, ghi tên tưởng niệm các nạn nhân. Ngày 25.3.2003, khu chứng tính được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm. Thế nhưng, khu chứng tích hiện nay đang xuống cấp, không gian bị xâm phạm nghiêm trọng.
Ông Võ Ngọc Phú, trưởng thôn Kim Tài, bức xúc: “Chứng tích hiện xuống cấp, chúng tôi thấy xót xa, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp bà con phản ảnh đề nghị tôn tạo, tu sửa, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hàng năm, cứ vào 17 tháng Chạp âm lịch, thôn Kim Tài và gia đình có người thân bị chết thảm dưới họng súng quân thù đã tổ chức Đại kỵ, ai nhìn chứng tích đều chạnh lòng”.
Một số hộ dân sống gần khu chứng tích nhận bảo vệ, bù lại họ tận dụng mặt bằng trồng mai kiểng, trồng rau màu, nên cây xanh đã phủ ngập mặt bằng khu chứng tích, càng làm cho chứng tích thêm vẻ hoang phế (ảnh).
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, trên địa bàn xã có 2 di tích được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm di tích lịch sử Miếu Bà ở thôn Liêm Định và khu chứng tích Kim Tài. Do khu chứng tích Kim Tài xây dựng quá lâu, nên hiện nay xuống cấp nặng. Chính quyền địa phương rất mong cấp trên sớm cho nâng cấp mặt bằng, xây dựng lại khu chứng tích để làm nơi giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân cũng như thế hệ trẻ của địa phương.
XUÂN THỨC
Cảm ơn bài viết phản ánh của anh Xuân Thức về tình trạng này. Nhưng cách trả lời của anh trưởng thôn và PCT xã Nhơn Phong là chưa thuyết phục, vì chúng ta chưa thấy trách nhiệm của họ trong việc này. Việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích của Khu chứng tích, trước hết là người dân của thôn sống quanh đó. Vậy tai sao nhân dân trong thôn, mà trước hết ông trưởng thôn phải có ý kiến chấn chỉnh. Là người địa phương, hơn ai hết, chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ, tu sửa nhỏ, vệ sinh môi trường khu vực tưởng niệm này của ông cha ta. Nhà nước đã đầu tư tiền hàng chục triệu đồng để xây dựng thờ cúng cho ông bà ta, thì ta là con cháu họ phải giữ gìn, làm những việc trong khả năng của ta, ví dụ như dẫy cỏ, không thả bò phá, quét dọn ở nơi tôn nghiêm...Ngoại trừ xuống cấp do thời gian thì ta đề nghị chính quyền đầu tư sửa chữa. Đó là cấp thôn. Còn cấp xã, đồng ý với ông PCT xã là lâu ngày, khu này bị xuống cấp về mặt xây dựng, như: nứt, sụn lún, bể mục...thì chấp nhận được.