Số ca mắc mới Covid-19 giảm xuống mức vài chục ca/ngày
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới giảm xuống mức thấp "kỷ lục" trong nhiều tháng qua, mỗi ngày chỉ ghi nhận vài chục ca mắc mới. Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng giảm thấp nhất trong khoảng 2 năm qua, hiện chỉ còn 9 ca đang điều trị.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: LĐO
Theo thống kê từ Bộ Y tế, ngày 31.12.2022, số ca mắc Covid-19 mới giảm xuống còn 86 ca, ngày 1.1.2023 giảm còn 53 ca, ngày 2.1 giảm còn 52 ca. Ngày 3.1, số ca mắc mới cũng chỉ tăng nhẹ, với 71 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 24h.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.525.408 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.473 ca nhiễm).
Nhận định tình hình dịch Covid-19, BS Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho rằng: "Các quốc gia cần tiếp tục giám sát dựa trên nhiều nguồn, đặc biệt theo dõi ca nhập viện, ca bệnh nặng điều trị để đánh giá khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh cũng như tác động đến hệ thống y tế. Đồng thời cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng của ca bệnh đặc biệt các tuần tiếp theo khi bắt đầu kỳ nghỉ năm mới để chủ động trong phòng, chống dịch".
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang kiểm soát, tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới. Đến nay, các biện pháp phòng chống dịch ở nước ta đặt ra vẫn đáp ứng yêu cầu và thích hợp trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch Covid-19, chính sách đối với người nhập cảnh, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, không bị động trong tình hình mới.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin chung của cả nước cao, tuy nhiên vẫn có một số địa phương hiện đang tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, cho trẻ thấp và trong số các tỉnh, thành tiêm thấp lại có cửa khẩu; đồng thời hiện nay, thời tiết giao mùa khiến các bệnh truyền nhiễm tăng, bệnh mới nổi nguy cơ xâm nhập do khách nhập cảnh tăng, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có thể gia tăng ca mắc, bệnh nhân nặng.
"Do đó, các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1.2023, các tỉnh, thành đang tiêm chậm, thấp hoàn thành mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, tuy nhiên cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các viện/bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ.
Đối với các tỉnh, thành có cửa khẩu thì tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, tăng cường rà soát lại hệ thống điều trị, rà soát lại hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ hành khách nhập cảnh.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trên thế giới, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Theo THÙY LINH (LĐO)