Bưởi da xanh Hoài Ân được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Nâng phẩm cấp, giá trị nông sản
Tháng 10.2022, sản phẩm bưởi da xanh của nhóm sản xuất bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa được Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert (ở Hà Nội, được Tổ chức công nhận quốc tế JAS - ANZ công nhận năng lực) cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Điều này đã tạo hiệu ứng tốt thấy rõ khi nhiều người dân địa phương tích cực chuyển hướng sản xuất sản phẩm an toàn, nâng cao phẩm cấp, giá trị cho nông sản.
Tháng 1.2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Hoài Ân triển khai mô hình sản xuất bưởi hữu cơ cho nhóm sản xuất bưởi của xã Ân Nghĩa; quy mô diện tích thực hiện 2,5 ha bưởi độ tuổi từ 18 - 36 tháng/3 hộ. Quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm phối hợp với UBND xã Ân Nghĩa triển khai công tác tập huấn, hướng dẫn ghi nhật ký; ký hợp đồng với công ty chứng nhận; biên soạn nguồn tài liệu; hướng dẫn sử dụng nguồn tài liệu; nộp hồ sơ cho bên đánh giá; lấy mẫu đất, nước… Tháng 9.2022, các chuyên gia thực hiện đánh giá đợt đầu, hướng dẫn hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ, đến tháng 10.2022, Công ty chính thức cấp chứng nhận trồng trọt hữu cơ cho nhóm sản xuất bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa diện tích 2,5 ha, sản lượng khoảng 55 tấn/năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Hoài Ân, cho biết: Mô hình được triển khai theo đơn “đặt hàng” của chính quyền. Kết quả này tạo động lực để Trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình ở các địa điểm phù hợp, trước mắt đã có thêm nhiều hộ tích cực chuyển hướng sản xuất. Dù vậy điều quan trọng nhất không phải là chạy theo diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mà là từng bước giúp nông dân địa phương thay đổi nhận thức, tích cực chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hoài Ân giai đoạn 2021 - 2025.
Tham gia vào mô hình sản xuất bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa, anh Trần Đức Trạng, ở thôn Phú Ninh, bày tỏ: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ban đầu thực sự rất khó, nhưng với sự hỗ trợ về chuyên môn của cán bộ Trung tâm DVNN huyện, tôi dần tự tin và làm chủ kỹ thuật sản xuất. Vườn bưởi của tôi giờ phủ một màu xanh của cây, xen giữa là những lớp cỏ mềm để bảo vệ hệ sinh thái; tôi đã sử dụng kiến vàng trong việc bảo vệ thiên địch để duy trì cân bằng và sản xuất hiệu quả. Tham gia vào mô hình này tôi có được 2 điểm thuận lợi là được hỗ trợ về kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn, tôi được vay gần 170 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để đầu tư cải tạo vườn”.
Vườn bưởi được chứng nhận hữu cơ của anh Trần Đức Trạng (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa). Ảnh: THU DỊU
Đến nay, khu vườn của anh Trạng đang có 300 cây bưởi da xanh, trong đó có 200 cây đang vào độ thu hoạch, 100 cây chuối sáp và một số cây trồng khác. Năm 2023, anh Trạng dự định đăng ký tham gia nuôi gà thả đồi theo chính sách khuyến khích phát triển gà thả đồi của tỉnh để phát triển mô hình kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, việc được công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ góp phần giúp cho người trồng bưởi ở địa phương có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi từ các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Chính quyền xã tiếp tục hỗ trợ để người dân duy trì mô hình, đồng thời tăng cường kết nối để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Riêng với việc thành lập được nhóm sản xuất giúp xã Ân Nghĩa hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
“Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc trồng cây chủ lực, cây có thế mạnh và nâng tầm cho nông sản Hoài Ân, đến nay, toàn huyện đã có gần 45 ha bưởi trồng hợp chuẩn VietGAP; 2,5 ha được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Giai đoạn 2023 - 2025, huyện tiếp tục xây dựng các mô hình trồng cây thế mạnh, cây chủ lực gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị cho nông sản Hoài Ân, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Ông VÕ DUY TÍN, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân
THU DỊU