Bình Định phải tiến nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, để phát triển trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, thì Bình Định phải tiến nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn.
Hội nghị diễn ra chiều 4.1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng.
Hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 diễn ra chiều 4.1. Ảnh: THU HIỀN
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố; đại diện các hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn tỉnh…
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023
Báo cáo của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trình bày tại hội nghị cho thấy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2023, góp phần thực hiện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung đổi mới phong cách làm việc theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7% - 7,5%.
Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 của tỉnh
GRDP tăng 7% - 7,5%. Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 3 - 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 9 - 9,5% (trong đó công nghiệp tăng 9,5 - 9,7%) và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5 - 7,7%; dịch vụ tăng 7,9 - 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách 13.650 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa 12.558,5 tỷ đồng).
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển GD&ĐT, nhân lực, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, một số nhóm nhiệm vụ nổi bật.
Trước hết, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp…
Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Rà soát, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký trên địa bàn, đặc biệt là các dự án Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp gang thép Long Sơn, dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức)...
Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, phục hồi hoạt động du lịch và dịch vụ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài.
Đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường.
Tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế. Quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường...
Ưu tiên phát triển hạ tầng KT-XH, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, du lịch, các công trình thuộc ngành y tế, giáo dục, phúc lợi công cộng; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Chỉ đạo khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, công trình mới theo quy định; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình trọng điểm đang triển khai.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tập trung xây dựng đề án phát triển TP Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị. Triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh…
Càng khó khăn càng phải nỗ lực vượt qua
"Nêu ra những khó khăn, thách thức trong năm 2023 để chúng ta nhận diện khó khăn và cùng nhau quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức. Càng khó khăn chúng ta càng nỗ lực phấn đấu vượt qua”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc DŨNG
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhắc lại quyết tâm đưa tỉnh Bình Định vươn lên nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu khu vực miền Trung. Nhận diện những khó khăn trong năm 2023, đó là tình trạng lạm phát; chính sách thắt chặt tiền tệ; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là ngành chế biến gỗ; thu hút đầu tư khó khăn; tình hình lao động mất việc làm ngày càng nhiều; một số thị trường như bất động sản, chứng khoán… tồn tại nhiều bất ổn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, càng khó khăn càng phải quyết tâm, nỗ lực.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, điều hành và các nhóm mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023 đã được UBND tỉnh xác định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sau hội nghị này, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã ký kết giao ước thi đua phải có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, chi tiết, mang tính khả thi để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu. Cần rà soát để khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, bổ sung cơ chế chính sách, quy định, quy chế, quy trình, thủ tục giữa các cấp, các ngành, phải làm cho “thông suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”. Phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới, bám sát công việc, bám sát cơ sở, địa bàn, DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Tập trung chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ các ách tắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định trong quý II/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng, hoàn thiện tuyến ven biển…, để tạo không gian mới cho phát triển. Cùng với đó, phải quan tâm đến phát triển văn hóa - xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội; quyết tâm đi đầu trong công tác chuyển đổi số, gắn với cải cách hành chính để tạo ra dư địa phát triển cho tỉnh thời gian đến.
“Chúng ta quyết tâm để được Chính phủ duyệt quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Phù Cát; nạo vét, mở luồng phát triển cảng biển Quy Nhơn; kiến nghị cho mở cao tốc từ Quy Nhơn đi Gia Lai… Đó là 3 việc lớn từ nay đến năm 2025 phải làm để tạo dư địa phát triển mới cho tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nêu quyết tâm.
Cam kết thì phải làm, đã làm phải hiệu quả
Tại Hội nghị, người đứng đầu 24 sở, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố đã ký giao ước thi đua với tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trao quyết định giao chỉ tiêu KT-XH năm 2023 cho các sở, ngành và địa phương.
Tại hội nghị, lãnh đạo 24 sở, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố đã ký giao ước thi đua với tỉnh. Ảnh: THU HIỀN
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và nghiêm túc bằng những hành động cụ thể, lượng hóa được. Tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã cam kết thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.
“Để làm được tốt mọi việc và để đảm bảo thành công, chúng ta phải thay đổi cách thức làm việc. Tất cả đều phải chủ động; lãnh đạo UBND tỉnh phải chủ động với sở, ngành; sở, ngành sở phải chủ động với địa phương; địa phương phải chủ động với cơ sở, với người dân; chủ động với DN”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
Trong 3 lĩnh vực chính để phát triển của tỉnh, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, lo ngại nhất là phát triển sản xuất công nghiệp - xây dựng, đặc biệt phát triển công nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn cho DN phát triển, đồng thời tổng rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn. Những vấn đề trong khả năng giải quyết của tỉnh, sẽ khơi thông tốt nhất các điểm nghẽn cho DN phát triển.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm tiếp nối có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, để thực hiện thắng lợi 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chung sức đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, tập trung cao cho công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2023.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng:
Tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023, chúng tôi tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động và các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2023… phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Tập trung chỉ đạo các nhà máy sản xuất đang hoạt động phát huy hết công suất, tạo giá trị mới về sản xuất công nghiệp tăng 3,5 - 3,7 điểm %. Tập trung chỉ đạo các nhà máy đã đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2022 phát huy công suất, tạo giá trị mới về sản xuất công nghiệp vào năm 2023 tăng 2,3 - 2,5 điểm %. Tập trung các dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đảm bảo tiến độ trong năm 2023 (tập trung 13 dự án trọng điểm), tạo ra giá trị gia tăng mới về sản xuất công nghiệp tăng 1,3 - 1,5 điểm %.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc:
Ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm
Năm 2023, ngành nông nghiệp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án chế biến thủy sản, gia súc, gia cầm, nông, lâm sản, thực phẩm để nâng cao giá trị sản xuất; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết. Tiếp tục tạo điều kiện để các chủ đầu tư triển khai nhanh các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh triển khai khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp…
THU HIỀN