Anh hùng dân tộc trong lòng dân đất Võ
Ở Bình Định, ngoài vua Quang Trung, các vị anh hùng dân tộc, như: Trần Hưng Đạo, Võ Duy Dương, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Trung Trực được nhân dân, nhà nước lập đền thờ để tôn vinh. hằng năm, ngành văn hóa cùng chính quyền, nhân dân tổ chức lễ giỗ, nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ và tri ân tiền nhân.
SINH VI TƯỚNG, TỬ VI THẦN
Trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nói chung, người dân Bình Định nói riêng, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tôn xưng là Đức Thánh Trần. Theo lệ ngày 20.8 âm lịch hằng năm, UBND TP Quy Nhơn và cán bộ, nhân dân hai phường Thị Nại, Hải Cảng - nơi có Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Tượng đài Đức Thánh Trần - lại tổ chức lễ giỗ của Ngài theo các nghi lễ cổ truyền.
Tượng đài Trần Hưng Đạo. Ảnh: DŨNG NHÂN
Gần 20 năm, anh Nguyễn Hữu Tấn, ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) tự nguyện làm công việc “hậu cần” ở Đền thờ Trần Hưng Đạo, Tượng đài Đức Thánh Trần. Anh Tấn chia sẻ: “Thuở nhỏ tôi hay đau ốm, ba tôi đến Đền thờ Đức Thánh Trần khấn nguyện cầu mong Ngài phù hộ tôi được khỏe mạnh. Ba thường dẫn tôi đến Đền thắp hương; mỗi dịp giỗ Ngài, tôi theo ba đến quét dọn, dâng hương tại Đền thờ, tượng đài của Ngài. Cứ thế cho đến giờ, tôi vẫn thường tới Đền thờ để quét dọn, thắp hương; tôi cũng thờ Đức Thánh Trần tại nhà để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Ngài”.
Gia tộc họ Võ ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) luôn tự hào vì dòng tộc có người ông là Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) - một vị anh hùng dân tộc khởi nghĩa chống Pháp, được nhân dân miền Nam lập nhiều đền thờ để tri ân. Tại mảnh đất ngày xưa Thiên Hộ Dương luyện võ ở thôn Nam Tượng 1, con cháu họ Võ xây dựng nhà từ đường thờ phụng Ngài. Đến năm 2015, tỉnh cho xây dựng đền thờ mới ngay bên cạnh nhà thờ cũ.
Cụ Võ Hữu Nghiệp, cháu đời thứ 5 của cụ Võ Duy Dương, tâm tình: “Đền thờ được Nhà nước xây dựng khang trang, gia tộc họ Võ góp sức, góp của để thờ cúng, trông coi đền thờ. Lễ giỗ cụ Võ Duy Dương được tổ chức vào ngày 16.11 âm lịch hằng năm giờ đây có thêm sự chung tay của ngành Văn hóa, chính quyền địa phương để thêm phần trang trọng, nhân dân địa phương cũng biết và đến dâng hương; nhiều trường học cho học sinh đến lau dọn vệ sinh Đền thờ, giúp các cháu thêm tự hào về lịch sử dân tộc”.
Anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng - vị nguyên soái anh hùng trong phong trào chống Pháp - được nhân dân huyện Tây Sơn lập lăng thờ như một vị thần hoàng tại xã Bình Tường. Lăng được tỉnh xây mới thêm điện thờ, trùng tu vào năm 2007. Lễ giỗ của ông được tổ chức vào ngày 14.4 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo người dân và du khách đến dâng hương.
Cụ Võ Văn Nhựt, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, kể lại: “Mai Nguyên Soái đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng dân Tây Sơn. Năm 1961, ngôi mộ của Ngài tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) được cải táng đưa về trên một quả đồi dãy núi Ngang thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường và xây lăng thờ. Khi ấy tôi là học sinh, có đến dự lễ khánh thành lăng. Không chỉ ngày giỗ, các ngày đầu tháng, ngày rằm hay ngày tết, bà con đều tới lăng để thắp hương cầu mong Ngài phù hộ gia đạo bình an, muôn dân hạnh phúc”.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tỉnh xây dựng năm 2020 tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Hai năm nay, Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực được ngành Văn hóa cùng chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 12.9 âm lịch đã được nhân dân địa phương chung tay hưởng ứng.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cụ Mai Ngọc Khoác, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, bày tỏ: “Nhân dân ở đây rất tự hào quê hương Cát Hải của mình có vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hào khí mãi lưu danh muôn đời. Bà con ở đây cũng thường đến Đền thờ thắp hương thể hiện lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc, cầu nguyện sự hiển linh của Ngài mỗi khi gia đình có việc lớn”.
SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN
Những bậc anh hùng được người dân đất Võ thờ cúng như thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ông Đoàn Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường, chia sẻ: “Lễ giỗ Mai Nguyên Soái là phong tục, tập quán có từ lâu đời được các thế hệ cha ông ở đây trao truyền lại để thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ nhằm thể hiện sự kính trọng với những người đã có công với dân, với nước. Lễ giỗ giờ đây được nhân dân và chính quyền chung tay tổ chức long trọng hơn, có thêm phần hội, biểu diễn tuồng, bài chòi, võ thuật, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng đất Tây Sơn - Bình Định”.
Với người dân Tây Sơn, anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng được tôn thờ như vị thần hoàng làng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Việc tôn thờ các anh hùng dân tộc cũng là để tỏ lòng thành kính đối với những biểu tượng cao đẹp về truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, tâm tình: “Lễ giỗ Đức Thánh Trần được thành phố tổ chức trong những năm gần đây với quy mô mở rộng hơn, nhằm giáo dục lịch sử hào hùng của dân tộc cho nhân dân, phát huy hơn nữa giá trị di tích Tượng đài và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, hướng tới phát triển du lịch văn hóa, lịch sử”.
Ngày giỗ của các vị anh hùng dân tộc, dù được Nhà nước đứng ra tổ chức với quy mô lớn hơn, nhưng nhân dân các địa phương đều chung tay góp của, góp công với chính quyền để tổ chức giỗ, như để cùng nhắc nhau hướng về cội nguồn.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Tín ngưỡng thờ các bậc anh hùng dân tộc đối với người dân Bình Định đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh gắn với đời sống xã hội của cộng đồng. Việc tổ chức lễ giỗ dần mang tính xã hội hóa cao, được nhân dân hưởng ứng. Nét đẹp thuần Việt ấy không chỉ góp phần gìn giữ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, mà còn đóng góp không nhỏ trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN