Hào hoa đất Võ
Nhân cuộc gặp gỡ các bạn Bắc Nam về Bình Định vừa tác nghiệp vừa làm du khách, có nữ nhà báo trẻ hỏi: “Đệ nhất đặc sản miền đất Võ là gì?”, anh bạn tôi nâng ly đáp tỉnh rụi: “Trai Bình Định!”. Bất ngờ, cô ấy thừa nhận ngay…
Kể ra nói như thế là tếu táo nhưng trong đó, hiểu theo cách của nhân gian thì cũng ba phần hư bảy phần thật. Chẳng phải rằng sự hào phóng với mỹ nhân, khó ai sánh kịp đàn ông xứ sở này sao! Vua Chế Mân cưới Huyền Trân công chúa với món sính lễ là hai châu Ô, Lý, địa giới từ Bắc sông Thu Bồn kéo dài đến sông Thạch Hãn, tương đương hai tỉnh rưỡi, công khai, minh bạch đến thế là cùng!
Bạn tôi sẵn trớn bộc tuệch luôn, rằng Nguyễn Huệ trở thành chàng rể của vua Lê một cách “chất lừ”, bằng chứng là Ngọc Hân công chúa thỏ thẻ với ông trong lễ cưới: “Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi!”.
Hướng dẫn các thế võ cho du khách đến tham quan tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn). Ảnh: DŨNG NHÂN
Bình luận về hai nàng công chúa quốc sắc thiên hương của Thăng Long đô hội đã trở thành hai nàng dâu đất Võ, cả bàn tiệc vui vẻ công nhận rằng đệ nhất đặc sản Bình Định này có thể mang tên “Hào hoa đất Võ”. “Hào hoa đất Võ” ngoài đem lại sự hòa hiếu, một cho Champa - Đại Việt, một cho Đàng Ngoài - Đàng Trong, còn tạo nguồn cảm hứng bất tận đến hôm nay làm đê mê từ âm nhạc đến mỹ thuật, từ thơ ca đến tiểu thuyết!
***
Câu hỏi tiếp theo của nữ nhà báo, vậy đặc sản Bình Định còn gì tiếp theo. Một người bạn khác của tôi đáp luôn: Có người Bình Định rồi, giờ là “lời ăn tiếng nói Bình Định” chứ còn gì nữa. Có con người đặc sản thì đương nhiên công cụ giao tiếp và tư duy là “ngôn ngữ Bình Định” phải rất đặc thù và trở thành đặc sản. Lời nói trong giọng đặc sản Bình Định, lâu nay cứ được mặc định là chân chất, mộc mạc, biểu hiện của tính cách “thàng hậu”. Cái chân chất mộc mạc ấy, nếu vang lên ở xứ lạ quê người, trời ơi, người Bình Định sẽ nhận nhau ngay, lúc này mới đậm đà, mới thấm tháp, mới “rượu ngon cáu cặn cũng ngon…”.
Bộc trực lắm, lời Nguyễn Huệ: “Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?”, nhưng càng vào cuộc, càng khiêm cung nhã nhặn, tự nhận mình là “kẻ ở khe núi”, nhận quê mình “xa xôi hẻo lánh”, nhận ân sủng phò mã: “Bây giờ may sao được bám vào cành vàng lá ngọc, thật là một mối duyên kỳ ngộ ngàn năm mới có”. Sự ý vị ấy là ở những lời nói. Còn khi dân làng Văn Chương dâng lên tờ sớ bằng thơ Nôm phàn nàn việc nhà bia Tiến sĩ bị ngã đổ trong loạn lạc và quy tội do chúa Trịnh Khải phá, thì vua Quang Trung dùng bút phê chuẩn hết sức độc đáo, cũng bằng thơ Nôm: “Thôi thôi thôi sự đã rồi/ Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta/ Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian/ Cơ đồ họ Trịnh đã tan/ Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải”.
Với dân, ông lựa lời lẽ hết sức nôm na, khoan thứ và đầy nghĩa hiệp tự nhận trách nhiệm về mình như vậy. Với tướng sĩ ra trận, ông có lời dụ về mục tiêu chiến lược mang tầm vóc bản lĩnh văn hóa và chủ quyền quốc gia theo cách nói nôm và dụng các thành tố Hán Việt đúng mực: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nhưng nói với “thiên triều” thì phê tờ trình đầy bỡn cợt khôi hài: “Thằng Càn Long nó muốn xin voi/ Coi con nào cụt vòi cho nó một con”.
Về mặt văn tự, vua Quang Trung chủ trương dùng chữ Nôm cho triều đại mình, lập Viện Sùng chính để dịch kinh sách ra chữ Nôm, mở khoa thi Hương đầu tiên bằng chữ Nôm. Chữ Nôm là chữ Việt lần đầu tiên được ghi trong sử bằng khái niệm “Quốc ngữ” từ đời Trần nhưng chữ Hán vẫn thông dụng trong văn bản cấp nhà nước. Chủ trương thoát Hán tự, dùng quốc âm được đưa ra như một cải cách lớn mang đầy tính tự tôn dân tộc, chính là dấu ấn văn hóa sâu đậm của người trai “Hào hoa đất Võ” Quang Trung trong việc sở đắc chữ Việt của người Việt, từ cấp triều đình đến các trường học được mở mang đến tận cấp xã!
Nhóm nhà báo phương xa và bản địa tiếp tục chủ đề “Hào hoa đất Võ” với đề tài về La tinh hóa chữ Việt. Đây chính là sự hào hoa của quan Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hòa mà trong Xứ Đàng Trong năm 1621, vị Thừa sai Cristophoro Borri đã nói rất kỹ. Năm 1618, quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đã tổ chức cho ông cùng các linh mục Francesco De Buzomi và Francesco de Pina lên thuyền đi 12 ngày đêm và 8 ngày nữa, chuyển cho mỗi người lên một thớt voi, có hàng trăm dân binh cưỡi ngựa hoặc đi bộ hộ tống mới tới tư dinh.
Tiểu chủng viện Làng Sông, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Ảnh: KHỔNG XUÂN HIỀN
Theo bản tường trình này, ngày nào cũng được quan trấn thủ cho ghé một bến cảng, tổ chức các trò vui, hội hè cho dân chúng. Các hương chức bản địa chào mừng quan trấn thủ với những lễ vật quý, và ngày nào quan trấn thủ cũng sang thuyền các giáo sĩ trò chuyện, chia sẻ lộc dọc đường. Quan trấn thủ cho hàng nghìn nhân công dựng nhà thờ gỗ, lập cư sở truyền giáo tại Cảng thị Nước Mặn cho đoàn. Ngoài ra, ở phủ Quy Nhơn còn một số nhân sĩ bản địa thông minh, sành chữ Hán, giúp các linh mục dịch các bản kinh Pater noster Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương… Từ chỗ bị cô lập và trục xuất ở Hội An, nhóm giáo sĩ Tây phương kia đã được Quy Nhơn chào đón, bảo bọc và đối xử như những thượng khách với mọi điều kiện tốt nhất có thể. Trong Xứ Đàng Trong năm 1621, có đến 94 từ Việt được la tinh hóa, như Quignin “QuiNhơn”, Nuoecman “Nước Mặn”, Chiampa ”Champa”, Nayre “nài, nài voi”, omgne “ông nghè”, onsaij “ông Sãi”, macò “ma quái”, Chiuua “Chúa”, tuijciam biet “tui chẳng biết”, sayc kim “sách kinh”, sayc chiu “sách chữ”... Người Bình Định có thể tự hào Cảng thị Nước Mặn là cái nôi sớm nhất hoài thai và sinh nở chữ Quốc ngữ la tinh hóa mà sự phiên âm bắt đầu bằng “giọng Quy Nhơn của người Quy Nhơn”, dù thô sơ nhưng là cơ duyên mặn mòi mở cửa cho chữ Việt hoàn chỉnh của ngày nay.
Chữ Việt trong quá trình phát sinh, phát triển, thăng trầm, từ chữ Quốc ngữ Nôm nghìn năm đến chữ Quốc ngữ La tinh hóa 400 năm nay, trong định mệnh văn hóa, đều có dấu ấn sâu đậm của đặc sản “Hào hoa đất Võ”. Mọi người đều đồng tình rất tưng bừng nhận định này. Như từ thế kỷ XVIII, công chúa Ngọc Hân đã thừa nhận sự chinh phục của “kẻ ở khe núi”. Còn các giáo sĩ đầu thế kỷ XVII đã vinh danh viên quan đầu phủ “rất lịch sự”, “hết sức tử tế” và người bản xứ “rất trọng khách”, “rất thành thật”. Cái sự “thích thú lắm” của vua Quang Trung và sự “rất lấy làm hài lòng” của quan trấn thủ Quy Nhơn xưa cũng là nỗi niềm vinh hạnh lan truyền cho hậu thế, nhất là những người đồng hương của hai ông!
NGUYỄN THANH MỪNG