Đến Quy Nhơn khám phá...vũ trụ
Chiều 29.4.2022, hay tin UBND tỉnh Bình Định khánh thành công trình Tổ hợp Không gian khoa học, từ Pháp, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt nam, gởi thư chúc mừng. bức thư có đoạn viết: “…đây là dự án đưa khoa học đến với công chúng quy mô, bài bản nhất việt nam đến thời điểm hiện tại. Nơi đây, sẽ trở thành điểm sáng về khám phá khoa học cho toàn thể công chúng, và là nơi khơi nguồn đam mê, sáng tạo cho lớp trẻ của đất nước”.
Thật vậy, sau 8 tháng đi vào hoạt động, có hơn 50.000 lượt người đến Tổ hợp Không gian khoa học tham quan, tìm hiểu và khám phá khoa học. Con số này đã khẳng định tính hiệu quả mà công trình đem lại.
Trạm quan sát thiên văn phổ thông. Ảnh: TRỌNG LỢI
ĐIỂM HẸN CỦA CÔNG CHÚNG YÊU KHOA HỌC VŨ TRỤ
Tổ hợp Không gian khoa học tọa lạc trong Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), do Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) quản lý, vận hành. Đây là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore).
Sân khấu trình diễn về tĩnh điện và điện áp cao. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tổ hợp là công trình có kiến trúc độc đáo, nổi bật làp hòng chiếu hình vũ trụ (79 ghế ngồi), màn hình ứng dụng công nghệ trình chiếu, mô phỏng nhiều nội dung về thiên văn, vũ trụ, thế giới tự nhiên..., giúp người xem khám phá, trải nghiệm những hình ảnh tuyệt đẹp của vũ trụ, giải thích các vấn đề liên quan đến thiên văn học và hiện tượng thiên nhiên.
Các bạn trẻ trải nghiệm STEM thả trứng hạ cánh trên Sao Hỏa. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bảo tàng khoa học có 7 phòng trưng bày, với các chủ đề: Hệ Mặt Trời, Khám phá vật chất, Trái Đất và tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá Sao Hỏa, Chơi mà học, Vì sao lại thế, gắn liền các mô hình để công chúng trải nghiệm, tìm hiểu vũ trụ. Đó là những thứ, từ vô cùng nhỏ bé về vật chất nguyên tử, đến Trái đất và các hành tinh, sự sống của sinh vật, thiên văn học và các ngành khoa học cơ bản.
Tìm hiểu các hành tinh ở căn phòng Hệ Mặt trời. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tham gia trải nghiệm hoạt động “học mà chơi”, em Nguyễn Trường Thịnh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Tổ hợp có nhiều mô hình, trò chơi thú vị, chẳng hạn là bài toán Tháp Hà Nội. Em mong sẽ tiếp tục quay lại đây để tìm hiểu, giải hết câu đố trong các trò chơi, tham quan và khám phá những hình ảnh tuyệt đẹp của vũ trụ, các hiện tượng thiên nhiên thông qua những mô hình mô phỏng”.
Quang cảnh Tổ hợp Không gian khoa học tại Khu đô thị khoa học Quy Hòa (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tổ hợp còn là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn cho công chúng. Nhân chuyến thăm, làm việc tại Bình Định vào năm 2022, đến tham quan Tổ hợp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho đây là bước đi mạnh dạn, tiên phong của tỉnh trong việc tạo môi trường khoa học tốt, khích lệ niềm đam mê, thúc đẩy khả năng nghiên cứu khoa học, nhất là với giới trẻ. Đồng thời, ông khẳng định đây là mô hình rất đặc biệt, rất bổ ích cho tất cả những ai yêu khoa học vũ trụ.
Mô hình sa bàn năng lượng tái tạo. Ảnh: TRỌNG LỢI
PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ DU LỊCH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đánh giá, Tổ hợp Không gian khoa học cùng với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Công viên sáng tạo TMA… sẽ tạo thêm xung lực, thúc đẩy ước mơ xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa trong thời gian đến. Đó là “món quà tinh thần” vô cùng to lớn mà Bình Định gửi đến GS Trần Thanh Vân - người rất tâm huyết, có những đóng góp quan trọng cho dự án, bền bỉ gieo mầm cho khoa học Việt Nam nói chung và sự phát triển của khoa học Bình Định nói riêng. Đồng thời, đây cũng là lời khẳng định về “sứ mệnh” ươm mầm và phát triển khoa học của công trình ngay ngày khởi công dự án (20.7.2015).
Phụ huynh và học sinh cùng trải nghiệm show khám phá tĩnh điện và điện áp cao. Ảnh: TRƯƠNG ĐỊNH
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục xác định 3 lĩnh vực trọng tâm cần phát triển ở tổ hợp, đó là khoa học, giáo dục và du lịch; tạo bệ phóng đưa Quy Nhơn trở thành đại lượng trên tấm hộ chiếu vô biên của tình yêu vũ trụ. Trước mắt là đa dạng hóa các trải nghiệm khoa học tại đây; đưa vào vận hành khu thiếu nhi trong năm 2023; xây dựng, hoàn thiện các chương trình về giáo dục STEM theo từng chủ đề phục vụ các trường học trên địa bàn tỉnh, cả nước. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các hoạt động du lịch khám phá khoa học; đăng ký tham gia các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý thiên văn, chương trình đào tạo chuyên sâu trong nước và ngoài nước về Vật lý thiên văn, phổ biến khoa học đến công chúng…
Tổ hợp Không gian khoa học được xây dựng trong khu đất rộng gần 4 ha, với 3 công trình chính: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông, Khu thiếu nhi.
Khu khám phá khoa học có 2 hạng mục là bảo tàng khoa học và phòng chiếu hình vũ trụ. Trạm quan sát thiên văn phổ thông được lắp đặt nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có 6 kính thiên văn phổ thông và 1 kính thiên văn quang học có đường kính 60 cm. Đây là chiếc kính thiên văn lớn nhất đang có ở Việt Nam hiện nay, cho phép quan sát một vật thể ở khoảng cách hơn 1 tỷ năm ánh sáng.
Khu thiếu nhi là không gian trải nghiệm các kiến thức khoa học dành riêng cho thiếu nhi…
TRỌNG LỢI