Khơi dậy khát vọng, đưa Bình Định dẫn đầu miền Trung
Năm 2022, Bình Định bứt phá với tăng trưởng 8,57%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và đứng thứ 3/5 tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là đòn bẩy để tỉnh thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Nhân dịp đầu xuân mới Quý Mão 2023, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trò chuyện xoay quanh câu chuyện vượt qua khó khăn thách thức để đi lên trong thời gian tới.
LINH HOẠT, SÂU SÁT, QUYẾT LIỆT
* Bình Định bước qua những khó khăn của đại dịch Covid-19 với sự bứt phá trong tăng trưởng KT-XH năm 2022, thưa đồng chí Chủ tịch, đâu là dấu ấn đặc biệt?
- Như chúng ta đã biết, năm 2022 dịch Covid-19 dần được kiểm soát, đời sống và sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước khôi phục; cùng với những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân, KT-XH của tỉnh bứt phá với những kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch, chúng ta vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,55% (riêng công nghiệp tăng 9,29%); dịch vụ tăng 12,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%.
Hoạt động văn hóa, xã hội, an sinh được đảm bảo, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục củng cố, kiện toàn.
Điểm đặc biệt chính là các hoạt động dịch vụ, du lịch hồi phục mạnh mẽ sau Covid-19. Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, chúng ta đã tập trung triển khai các biện pháp kích cầu thương mại, dịch vụ, du lịch; tổ chức hàng hoạt sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… Bên cạnh việc tổ chức nhiều chương trình, lễ hội quảng bá hình ảnh du lịch, đất nước con người Bình Định đến với du khách vào cao điểm du lịch hè, Bình Định linh hoạt giải pháp kích cầu du lịch ngay mùa thấp điểm. Từ các yếu tố trên đã đóng góp vào sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch, tăng 12,61% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến tỉnh khoảng 4,2 triệu lượt, tăng 1,8 lần và doanh thu du lịch trên 13.100 tỷ đồng, tăng 6,5 lần.
Những thành công của năm 2022 cũng khẳng định cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, làm cơ sở để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7 - 7,5%/năm như Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh.
Hạ tầng “đi trước”, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông kết nối, xem đây là động lực, nền tảng phát triển của tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như dự án đường vào sân bay Phù Cát, đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành), đền thờ Tây Sơn tam kiệt, đập dâng Đức Phổ (Cát Minh, Phù Cát). Hiện tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh; đường ven biển các đoạn còn lại; đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; các tuyến kết nối đường ven biển; các dự án tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa; đập dâng Phú Phong và các công trình văn hóa, lịch sử...
Công tác chuyển đổi số được chú trọng hơn. Tỉnh đã đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định; xây dựng, nâng cấp phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu và mở rộng dịch vụ giám sát, điều hành giao thông…
* Năm 2022 cũng đánh dấu sự điều hành linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh để đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
- Trên cơ sở Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng linh hoạt hơn, đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, trở thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh; trong đó, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Đồng thời, Bình Định cũng chú trọng hình thành và phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có thế mạnh. Hiện tỉnh đang xúc tiến một số dự án, làm việc một số đối tác CHLB Đức và châu Âu đầu tư các dự án trong nhóm ngành công nghiệp có thế mạnh như lắp ráp ô tô, năng lượng, sản xuất công nghiệp, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hóa chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử…
Bên cạnh đó, không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Từ lãnh đạo cấp tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính quyền các cấp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, làm việc tận tụy, minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư, DN để kiến tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất.
Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính khi chủ động thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đầu tư từ 32 ngày xuống 25 ngày. Thành quả cho những nỗ lực thực sự đồng hành với nhà đầu tư của Bình Định thể hiện rõ trong năm qua khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 tăng từ vị thứ 37, thuộc nhóm trung bình, lên thứ 11, thuộc nhóm tốt.
Tôi khẳng định tỉnh luôn xem “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, nhà đầu tư chỉ cần mang vốn, công nghệ đến, còn về thủ tục Bình Định hỗ trợ tối đa để dự án hình thành và đưa vào hoạt động sớm nhất, hiệu quả nhất.
QUYẾT TÂM TẠO SỰ ĐỘT PHÁ
* Bình Định phấn đấu năm 2025 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung và sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, sự thành công của năm 2023 mang tính bước đệm rất quan trọng, đồng nghĩa có rất nhiều việc phải làm, thưa Chủ tịch?
- Đúng thế. Với nhịp độ phát triển hiện nay của tỉnh, phải xác định để đạt mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, đại hội Đảng bộ tỉnh và đại hội đảng các cấp ở địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy; thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá.
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020 - 2025. Dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng không ít khó khăn cả về khách quan và chủ quan sẽ tác động không nhỏ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt quan trọng trong năm 2023 là chúng ta phải hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở định hướng phát triển, quyết tâm tạo sự đột phá cho tỉnh những năm tiếp theo.
Bình Định xác định phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7 - 7,5%. Trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung ứng dụng công nghệ cao đối với tất cả các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), gắn với chuỗi giá trị và công nghiệp chế biến.
Về công nghiệp, tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp gắn với hạ tầng giao thông kết nối và chuẩn bị mặt bằng để thu hút, tiếp nhận các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo ra sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Với dịch vụ, thực hiện đồng bộ các giải pháp cung, cầu, phát triển thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng.
Cùng với đó, về thu ngân sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhằm ổn định và tăng thu bền vững; khai thác hợp lý, đúng quy hoạch nguồn thu tiền sử dụng đất phục vụ cho đầu tư phát triển.
Quan trọng nữa là tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng KT-XH, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, văn hóa xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn hệ thống chính quyền lấy người dân, DN làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất trong khuôn khổ pháp luật. Hệ thống chính quyền cũng phải gần dân, sát cơ sở, hỗ trợ giúp đỡ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả, vươn lên làm giàu bền vững.
KHƠI DẬY KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH
* Đồng chí nhấn mạnh đến ý chí, khát vọng vươn lên bằng bản lĩnh, sự tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống chính quyền không ngừng sáng tạo vì một Bình Định phát triển. Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Tỉnh thống nhất chỉ đạo, điều hành được thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện bằng hệ thống số hóa các chỉ số, chỉ tiêu KT-XH. Do đó, trong chỉ đạo, điều hành, các sở, ban, ngành, địa phương đều phải đổi mới và triển khai theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Đặc biệt, tập trung giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển kinh tế. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.
Chúng ta phải làm mạnh mẽ và quyết liệt để tiếp tục củng cố niềm tin trong nhân dân, hiểu lòng dân, dựa vào dân và được nhân dân đồng lòng ủng hộ - đây chính là nguồn động lực to lớn đưa tỉnh tiếp tục vững bước đi lên, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Bình Định, hiện thực hóa mục tiêu nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, đưa tỉnh sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
* Đẩy mạnh chuyển đổi số là định hướng bứt phá khơi dậy khát vọng phát triển Bình Định, tỉnh sẽ tập trung vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?
- Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh của nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; một trong những đòn bẩy quan trọng để phát triển, đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tỉnh quyết tâm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 theo Chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được Chính phủ ban hành.
Chủ trương của tỉnh là tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung, thống nhất toàn tỉnh; ưu tiên các nền tảng sẵn có, đã triển khai trên thực tế để đảm bảo tính hiệu quả. Xác định dữ liệu là yếu tố cốt lõi trong công tác chuyển đổi số; các sở, ngành, địa phương cần tập trung cập nhật, chia sẻ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.
Tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hiệu quả; chú trọng thực hiện tích hợp số liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; triển khai thực hiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực, nhất là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã…
*Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THU HIỀN (Thực hiện)