Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người
Những ca khúc viết về một cá nhân thường không nhiều, cho dù đó có là một danh nhân ở bất cứ lĩnh vực nào, sống ở đâu, thời đại nào. hơn nữa ngay cả khi có thì thường cũng không có nhiều ca khúc hay, được nhiều người yêu mến, đủ sức sống mãi với thời gian. nhưng có một ngoại lệ, đó là Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu của chúng ta!
Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, nhưng ca khúc vinh danh Người còn được người Nga, người Đức, người Cuba, người Algeria… viết và cất cao tiếng hát. Ngay cả với bằng tiếng Việt, có lẽ cũng không ai có thể đếm đầy đủ những ca khúc hay viết về Hồ Chí Minh.
1. Trước tiên có lẽ nên… ưu tiên cho ca khúc gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của Người - Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác. Rất nhiều người hết sức ngạc nhiên khi biết, lúc viết nên ca khác này, nhạc sĩ An Thuyên còn rất trẻ, đang là một cán bộ của Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An. Nếu căn cứ vào độ già dặn, nhuần nhị của ca từ và nét nhạc mà phỏng đoán, nhiều người sẽ chấm tác giả trong tầm tuổi “tri thiên mệnh”. Nhưng không, nhạc sĩ An Thuyên khi ấy còn rất rất trẻ, 24 tuổi.
Ông rất trẻ nhưng cũng như nhiều thanh niên ngày ấy, sự kiện Bác Hồ qua đời là một sang chấn lớn, lay động trái tim ông. Mất mát ấy thôi thúc ông phải sáng tác, phải làm một cái gì đó, nhưng mãi đến hơn 5 năm sau ông viết xong bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, khi dồn nén đủ nhiều và chất chứa đủ chín muồi, An Thuyên hoàn thành ca khúc chỉ trong một đêm.
“Một khúc dân ca sâu lắng quê nhà/ đêm Sông Lam dạt dào sóng nước/ vọng câu đò đưa, tình người mộc mạc/ bát ngát nhớ thương mà thoảng hương giữa đời/ Đêm trăng lên nghe tiếng đò đưa ngân rất gần/ nhớ chuyện Người thời xa xưa/ Bác lớn lên trên quê đất mẹ hiền/ Bác theo phường đi nghe hát/ quần xắn gối đứng đầu sân/ dân mất nước mới lầm than/ mà nên lời ca nghe càng xót xa/ Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa/ tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca/ rồi từ ấy, ơ... Bác tìm đường cứu nước non…” (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác).
Ai đã yêu dân ca Nghệ An, đã say đắm hát ví dặm, phường vải chắc chắn sẽ dễ dàng đồng cảm với An Thuyên, mau chóng hòa mình vào không gian văn hóa xứ Nghệ với tuổi ấu thơ của Bác Hồ. Những người lớn lên cùng thời với Bác Hồ, từng biết Người thửa ấu thơ xác nhận, thời còn bé Bác Hồ thích và hay đi nghe hát phường vải. Tách ra và khắc họa hình ảnh Bác “quần xắn gối, đứng đầu sân”, nhạc sĩ An Thuyên là người hiếm hoi giúp người ta hình dung lung linh về thời thơ ấu của Bác Hồ…
2. Một người con miền Trung khác, nhạc sĩ Thuận Yến, có khá nhiều ca khúc viết về Bác thành công, đi vào lòng người không chỉ với đồng bào miền Trung mà còn với cả nước, trong đó đáng kể nhất là bài Miền Trung nhớ Bác. Trong nhiều lần bày tỏ tấm lòng mình với Bác Hồ qua sáng tác, nhạc sĩ Thuận Yến luôn khẳng định “Bác là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ của tôi, với lĩnh vực âm nhạc mà còn là của nhiều nghệ sĩ ở nhiều ngành nghệ thuật khác”. Điều nhạc sĩ Thuận Yến nói đến giờ rất dễ chứng minh. Và cũng không có gì lạ khi ông đã có hơn hai mươi ca khúc về Người, ông còn viết cả những tổ khúc âm nhạc từ nguồn cảm hứng ấy. Nhưng khái quát hay nhất về Bác thật khó có ca khúc nào sánh được Miền Trung nhớ Bác .
Bác Hồ hy sinh tuổi thanh xuân để tìm đường cứu nước, đó là sự tự nguyện, từ sự thôi thúc của trái tim yêu nước nồng nàn. Nhưng có một thực tế rất rõ ràng là vào thời điểm ấy Người cô đơn biết bao! “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/ Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đến miền Trung/ Để sớm nay con đi giữa đoàn quân/ Trong gió biển chan hòa đi theo dấu chân Bác/ Trời miền Trung trong xanh nước biếc/ Xin hỏi đường nào Bác đã qua đây/ Khi Bác tìm đường cứu nước ai hay…”.
Bác Hồ sớm mồ côi mẹ và lần chia tay cha ở Bình Định để rời Tổ quốc tìm đường cứu nước vào năm 1910 là lần cuối cùng Người gặp cha. Biết như vậy sẽ thấy câu hát này nặng trĩu tình thương chàng trai Nguyễn Tất Thành. “Trời Bình Khê trong xanh bát ngát/ Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha/ Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa”.
Thấm thía sự hy sinh to lớn của Người sẽ thêm kính yêu Người hơn, ca khúc Miền Trung nhớ Bác giàu sức lay động và dịu dàng chinh phục người nghe, dẫn dắt ta vào miên man miên man cảm xúc.
3. Rất nhiều lần Bác Hồ đã thốt lên rằng “Miền Nam trong trái tim tôi”. Miền Nam là nơi in dấu chân Người trước khi rời Tổ quốc; miền Nam là nơi cưu mang cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Người cho đến ngày cụ nhắm mắt xuôi tay ở Đồng Tháp. “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong cha” là vì thế. Và miền Nam ở trong trái tim Người là một lẽ đương nhiên.
Cho nên khi viết nên ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã thay lòng đồng bào Nam bộ nói chung, cả dân tộc Việt Nam nói riêng cất lên tiếng lòng mình, bày tỏ niềm kính ngưỡng Bác Hồ. Không chỉ qua âm hưởng dân ca Nam bộ trong làn điệu hát đối Cần Thơ mênh mông, cách khắc họa nhấn sâu với 6 lần so sánh bằng chữ “hơn” trong ca từ khiến ta như được đưa vào một không gian bao la đến bất tận... “Tôi hát ngàn lời ca/ Bao la hơn những cánh đồng/ Mênh mông hơn mặt Biển Đông/ Êm đềm hơn những dòng sông/ Tôi hát ngàn lời ca/ Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai/ Hùng thiêng hơn núi sông dài/ Là một niềm tin!/ Hồ Chí Minh… Hồ Chí Minh… Hồ Chí Minh… đẹp nhất tên Người/ Là một niềm tin…”.
Theo lời kể của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, ông viết bài hát này vào năm 1960 tại Hà Nội. Với niềm yêu kính Bác thiêng liêng, ông muốn bày tỏ sao cho vừa thật chân thành, vừa đậm đà tâm hồn Nam bộ giản dị, không chỉ có vậy mà khi hát lên cũng như khi lắng nghe, đồng bào ai cũng rung động và hòa điệu thiết tha niềm thương yêu Bác như yêu thương người thân.
Dồn nén như thế nên khi trải ra trên làn điệu dân ca, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người mau chóng lan tỏa khắp toàn cõi Việt Nam, kết nối được cả toàn miền Nam xa xôi khi ấy còn đang trong chia cắt, cách xa. Trong niềm yêu kính Người, chúng ta đã được sát cánh bên nhau.
KIỀU PHONG