Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Thỉnh thoảng tôi lại đọc lại bài thơ Bác ơi!, bài thơ khóc Bác Hồ ngày bác đi xa của nhà thơ Tố Hữu. cả bài thơ là những hình ảnh đầy xúc động, đầy kỷ niệm về Bác Hồ ngày Bác còn tại thế, ngân vang những lời tâm tình, lời khuyên răn, lời trao gửi của Bác với toàn dân, với các cháu thiếu nhi, với những anh bộ đội, với từng tin vui từ tiền tuyến gửi về: “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa”…
Và ở đoạn cuối bài thơ, chợt nhà thơ Tố Hữu tự hứa với lòng mình: Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/ Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn… Tôi cũng hay dừng lại ở câu thơ này: Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn. Đúng thế chăng, khi ta yêu một con người tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, chính là lúc ta trải tình yêu ấy tới non sông đất nước mình, lại là lúc ta thu tình yêu ấy vào tận trái tim mình, với lời tự hứa, lòng ta sẽ trong sáng hơn khi yêu Bác, như khi ta yêu vẻ đẹp trường tồn của đất nước mình.
Yêu như thế, thì lòng ta thanh thản lắm, độ sáng trong tâm hồn cũng tươi mới hơn, vô tư hơn, và khiến ta mạnh mẽ hơn, biết sống vì lý tưởng hơn, vì nhân dân mình hơn.
Ảnh tư liệu
Tôi nhớ, ngày Bác Hồ mất, tôi đang ở bên sông Ngàn Phố thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi và bạn tôi về quê bạn chơi, đi bộ từ ga Vinh lên quê bạn mất đúng một đêm, đi bộ 50 cây số. Hương Sơn là vùng bán sơn địa, phong cảnh quá đẹp, những khu vườn nhiều nhất là mít và chè xanh. Mẹ của anh bạn tôi thì quá vui khi con mình về thăm quê thăm mẹ, lại có bạn đi cùng. Thế là cá dưới sông, mít trong vườn được “huy động”, bữa nào chúng tôi cũng được ăn cá kho nhút mít, ngon hết biết luôn.
Nhưng vào buổi sáng ngày 3.9.1969, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin Bác Hồ từ trần. Bản tin gây xúc động cho cả gia đình bạn tôi, cho mọi người dân ở vùng Hương Sơn này. Tôi bàn với bạn, hai anh em tôi tạm biệt mẹ bạn, tạm biệt gia đình bạn, lại đi bộ ra ga Vinh, kịp xuôi tàu về Hà Nội viếng Bác Hồ.
***
Buổi sáng ngày chính thức Lễ tang Bác, chúng tôi xếp hàng từ sáng sớm để vào Quảng trường Ba Đình dự quốc tang. Có thể nói, tôi chưa bao giờ được chứng kiến một tang lễ nào gây xúc động cho hàng vạn người có mặt trên Quảng trường Ba Đình, cho hàng triệu, hàng chục triệu người tr ên khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, dù bấy giờ đang chiến tranh khốc liệt, như vậy.
Tôi đã khóc, cũng như hàng vạn hàng triệu người Việt Nam đã khóc, những giọt nước mắt công khai khiến “lòng ta trong sáng hơn”, vì đó là những giọt nước mắt chân thành nhất, yêu thương nhất hướng về Bác Hồ. Những ai may mắn có mặt trên Quảng trường Ba Đình buổi sáng hôm ấy đều không bao giờ quên được không khí ngập tràn xúc động của vạn người, và của từng người đi viếng Bác.
Có thể nói, đó là tình yêu của Nhân dân với Bác Hồ, và tình yêu của mỗi người Việt cụ thể với Bác.
Năm 1969 là năm cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam đang vào giai đoạn khốc liệt nhất, từ chiến trường khu 5, nhà thơ Thu Bồn đã gửi ra Bắc bài thơ viếng Bác Hồ, có đoạn ta khó cầm lòng khi đọc:
Có người thợ dựng Thành Đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi!
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng Niềm đau vô tận thời gian Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi Hành trang Bác chẳng có gì Một đôi dép mỏng đã lì chông gai Cho con núi rộng sông dài Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm Cho con những ánh trăng rằm Có quà có bánh lời thăm ân tình Bác là Bác Hồ Chí Minh Qua lòng Bác thấu nghĩa tình bạn ta Nhẹ nhàng nên Bác đi xa Bác đi đi mãi vượt qua biên thùy Tiếc rằng trước lúc chia ly Con chưa thấy được dáng đi của Người Hẳn trong đôi mắt sáng ngời Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
(Gửi lòng con đến cùng Cha)
Bài thơ khóc Bác Hồ của Thu Bồn thật giản dị, rất thật lòng và hết sức xúc động. Đó là tấm lòng của một đứa con miền Nam “Gửi lòng con đến cùng Cha”, người đọc có thể rơi nước mắt. Nhất là khi nhà thơ cảm giác như trong đôi mắt Bác giờ biệt ly “Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam”. Tình cảm người miền Nam với Bác Hồ là như vậy đó. Và tình cảm của Bác với miền Nam vẫn mênh mông trong một câu thơ. Hỏi sao, lòng ta khi yêu Bác lại không trong sáng hơn?
Với riêng tôi, chỉ sau lễ vĩnh biệt Bác Hồ một tháng, tôi nhập ngũ. Và bắt đầu đời lính, với một nguyện vọng duy nhất: Được đi chiến trường! Được vào chiến trường xa nhất là chiến trường Nam Bộ. Chỉ một năm sau, cuối năm 1970, nguyện vọng đi chiến trường Nam Bộ của tôi được cấp trên chấp thuận.
Khi vào chiến trường đồng bằng Nam Bộ tôi mới biết, ngày Bác Hồ mất, đồng bào Nam Bộ đã để tang Bác xúc động như thế nào. Có rất nhiều gia đình đang ở trong vùng địch tạm chiếm vẫn lập bàn thờ thắp hương, thờ cúng Bác. Có nơi như ở Trà Vinh bà con lập hẳn một đền thờ để thờ Bác Hồ. Đó là điều khiến người Mỹ trong đội quân xâm lược cũng phải kinh ngạc.
“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” là như vậy!
Và tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác Hồ bao giờ cũng giản dị và trong trẻo như vậy. Nó mộc mạc như lời thơ của Thu Bồn, của Việt Phương, và nhiều nhà thơ Việt khác. Mộc mạc mà chân tình biết bao nhiêu. Giống những bàn thờ Bác ngay trong vùng địch còn tạm chiếm. Giống những dải băng tang đen người lính Việt Cộng để tang Bác khi vào trận. Chính trong thời điểm gian nguy nhất, gian khổ nhất, người Việt Nam yêu nước càng thương nhớ Bác Hồ.
Những dòng sông ở Việt Nam hầu hết đều chảy ra biển Đông. Như hướng chảy tình yêu thương của người Việt với Bác Hồ, Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nhân dân cho đất nước. Đó là tình yêu thương, không phải sự sùng bái cá nhân. Nhưng người Việt mình sống có Đức tin. Tin vào những gì tốt đẹp, tin vào những người biết quên mình vì Dân vì Nước. “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” là như vậy.
Và đó là Việt Nam mình.
THANH THẢO