Tượng bò thần Nandin tháp Thủ Thiện
Tượng bò Nandin bằng đá sa thạch phát hiện tại tháp Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ XII, tạc trong tư thế nằm trên một bệ hình chữ nhật. Cả bốn chân bò đều co gập gọn gàng sát cơ thể, thân hình đầy đặn, săn chắc; nét đặc tả chân thực, sống động toát lên vẻ uy nghiêm của hình tượng một con vật linh thiêng trong tín ngưỡng của người Champa xưa.
Tượng bò thần Nandin phát hiện tại tháp Thủ Thiện, Bình Nghi, Tây Sơn. Ảnh: N.V.T
Dù được tạo tác trong tư thế nằm nhưng với nét sáng tạo độc đáo, nghệ nhân dân gian xưa đã tạo hình bò thần không hoàn toàn nghỉ ngơi, nằm nhưng vẫn trong tư thế sẵn sàng với một chân trước duỗi thẳng, nhưng chân kia thì gập lại; đôi tai vểnh cao để lắng nghe âm thanh từ các hướng; cặp sừng to, nhọn nhô lên cao để tự vệ; đôi mắt mở to quan sát xung quanh; trên lưng phần tiếp giáp với cổ có một cục bướu to, tròn, nhô lên cao; cổ đeo một chiếc vòng gồm 12 quả lục lạc. Tất cả toát lên những nét uy nghi, dũng mãnh của một con vật linh thiêng.
Chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, tín ngưỡng của người Champa xưa cũng tôn thờ hình tượng bò Nandin, bởi theo truyền thuyết nó là vật cưỡi của thần Sihva, một trong ba ngôi thần tối cao của Ấn Độ giáo gồm: Brahma, Sihva và Visnu. Theo truyền thuyết, bò thần Nandin là một con bò mộng, giống đực, có màu lông trắng như tuyết, có khả năng truyền ý nghĩ cho thần Sihva. Ngoài hai con mắt ở hai bên, bò thần còn có một con mắt thứ ba ở giữa trán, gọi là thiên nhãn, phát ra những phép thuật, là con mắt của sự hủy diệt và tái tạo, đồng thời còn là mối liên kết giữa con người và thần linh. Tượng bò Nandin phát hiện tại tháp Thủ Thiện được tạo tác theo phong cách tháp Mẫm, ở chính giữa trán cũng thể hiện con mắt thần thứ ba này.
Hình tượng bò thần Nandin xuất hiện khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa, phần lớn được thể hiện dưới dạng tượng tròn độc lập xuất hiện nhiều tại di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), các tháp Pô Klong Garai, Pô Rômê (Ninh Thuận), Khương Mỹ (Quảng Nam)… Ở dạng tượng tròn độc lập, bò Nandin thường được thể hiện ở tư thế hai chân trước và hai chân sau quỳ phục. Tượng bò thần Nandin được thể hiện rất nhiều ở các công trình kiến trúc với ý nghĩa là “bảo vệ”, thường đặt ở lối vào ngay ở trước cửa đền tháp.
So với nhiều tượng bò thần Nandin phát hiện ở các nơi khác, tượng bò thần Nandin phát hiện ở tháp Thủ Thiện khá hoàn chỉnh, nguyên vẹn, đường nét chạm khắc sắc sảo, mềm mại; được ghi nhận một trong những tượng bò thần Nandin đẹp nhất từng được phát hiện.
NGUYỄN VIẾT TUẤN