Chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Tiện và lợi !
Ngày 29.12.2022, UBND tỉnh có công văn giao Sở LÐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội theo hướng dẫn của Bộ LÐ-TB&XH. Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang khẳng định, việc này mang lại nhiều tiện lợi cho người thụ hưởng, và toàn ngành LÐ-TB&XH đang nỗ lực hết sức để triển khai trong thời gian sớm nhất.
● Xin ông nói rõ hơn những tiện lợi từ việc chi trả không dùng tiền mặt?
- Cái lợi trước mắt là tiền được chuyển đến người nhận rất nhanh. Thông qua ngân hàng, cứ đến đúng ngày quy định là tiền có trong tài khoản. Thứ hai là an toàn; tiền trong tài khoản chưa rút thì vẫn còn nguyên đấy. Thứ ba là minh bạch, rõ ràng, vì mọi giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ, muốn kiểm tra, xác minh cũng rất dễ dàng. Điều này rất quan trọng khi đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thường xuyên biến động, nhất là số người già, người bị bệnh nặng chết đi; nếu không minh bạch thì rất dễ gây thất thoát tiền của Nhà nước.
● Dựa vào tình hình thực tế, việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh có khó khăn gì không, thưa ông?
- Thực ra, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã được Sở LĐ-TB&XH dự định triển khai từ nhiều năm trước nhưng chưa làm được vì một số lý do.
Thứ nhất, khó khăn trong việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản với số đối tượng là thương binh, bệnh binh, người già, người khuyết tật, người tâm thần…, việc chọn người ủy quyền theo ý của họ đôi khi không đơn giản.
Thứ hai, các cây ATM của các ngân hàng chưa bao phủ đủ tại các điểm dân cư sinh sống. Ở một số vùng nông thôn, cả xã có 1 cây ATM. Người dân ở nông thôn chưa có thói quen rút tiền qua ATM, lại phải đi xa mới đến được cây ATM nên không muốn.
Về phía ngân hàng, mặc dù lượng khách hàng thuộc diện này rất lớn (riêng Bình Định có 38.000 người có công với cách mạng, trên 97.000 đối tượng bảo trợ xã hội), nhưng số tiền hằng tháng chi cho mỗi đối tượng lại ít, chỉ vài triệu đồng/người, mà đối tượng này có xu hướng rút toàn bộ tiền để chi tiêu ngay khi tiền vào tài khoản. Vậy nên, các ngân hàng cũng chưa thật mặn mà.
● Vậy theo ông, để việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt sắp tới đạt được kết quả tốt, cần những điều kiện, giải pháp gì?
- Mặc dù hiện tại, việc chi trả không dùng tiền mặt có những bất tiện, khó khăn như vậy nhưng cũng có những cái lợi, đặc biệt phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Bản thân tôi rất ủng hộ thay đổi này vì nhận thấy quyền lợi cho đối tượng được đảm bảo tốt hơn. Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian tới hoàn toàn khả thi, tất nhiên là không thể cực đoan, buộc tất cả các nơi phải làm ngay.
Trước mắt, có thể triển khai ngay ở TP Quy Nhơn cùng các khu đô thị của tỉnh. Còn những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện thuận lợi thì cứ tiếp tục duy trì hình thức chi trả bằng tiền mặt qua bưu điện như lâu nay.
Việc chi trả không dùng tiền mặt sẽ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người thụ hưởng.
- Trong ảnh: Bưu điện TX Hoài Nhơn chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Bưu điện TX Hoài Nhơn
Sở đã lên kế hoạch, sau tết Nguyên đán, toàn ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào việc này, phấn đấu bắt đầu triển khai từ quý II/2023 ở những vùng thuận lợi. Còn từ nay cho đến quý II thì vẫn chi trả theo cách cũ.
Sở sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền đến đối tượng, người dân toàn tỉnh về những lợi ích của việc sử dụng thẻ ATM trong thanh toán, chi trả. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các ngân hàng, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, làm việc với các huyện để bàn cách thức triển khai hiệu quả hình thức chi trả này.
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)