Nâng tầm đô thị, mở đường phát triển
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 20 đô thị. với tỷ lệ đô thị hóa đạt 45,5%, mạng lưới đô thị của tỉnh dần hoàn thiện rõ nét hơn, đặc biệt là các đô thị biển, mở đường thúc đẩy phát triển KT-XH.
LỢI THẾ BIỂN VÀ ĐÔ THỊ BIỂN
Quy hoạch và hạ tầng là điểm nhấn đầu tiên trong hành trình phát triển tỉnh Bình Định thành một điểm đến. Bình Định đang quyết tâm hoàn thành sớm đường ven biển dài gần 120 km liền mạch từ TP Quy Nhơn đến TX Hoài Nhơn. Tỉnh cũng đầu tư 3 tuyến đường kết nối Đông - Tây; trong đó, QL 19 là một trong những tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt khi kết nối 3 tâm điểm lớn tại Bình Định gồm sân bay Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội và TP Quy Nhơn, mở ra không gian đô thị rộng lớn cho Quy Nhơn và vùng lân cận.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư mới như cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để đến năm 2025 sẽ trở thành một trong các đô thị trung tâm vùng duyên hải miền Trung, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; đến năm 2035 là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Để đạt được mục tiêu chung đề ra, Quy Nhơn tích cực mở rộng không gian đô thị, phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển, bắt tay triển khai nhiều dự án hạ tầng hướng biển.
TP Quy Nhơn mở rộng không gian đô thị gắn phát triển kinh tế biển, phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển. Ảnh: DŨNG NHÂN
Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Khu kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai (Quy Nhơn) được đánh giá là cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn. Nơi đây được kỳ vọng trở thành đô thị cảng biển thịnh vượng và hướng đến khai thác các hoạt động, dịch vụ đêm để phục vụ tốt cho cả dân địa phương và khách du lịch.
Làm hạt nhân của “tiểu vùng kinh tế” phía Bắc tỉnh, TX Hoài Nhơn còn có điều kiện phát triển đô thị với phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, Đông Gia Lai và Bắc Kon Tum khi QL 24 hoàn thiện. Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn chia sẻ: “Đường ven biển 639 mở ra diện mạo đô thị mới dọc biển; dáng dấp đô thị phồn hoa ở đô thị Tam Quan (gồm các phường Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo) cũng rõ hơn khi gắn kết với phát triển kinh tế biển, giao lưu thương mại với các tỉnh lân cận. Đây cũng là hướng phát triển mạnh trong tổng thể “1 trục - 2 cánh - 4 trung tâm” của Hoài Nhơn. Tỉnh cũng đang đầu tư tuyến đường kết nối từđường phía Tây tỉnh đến đường ven biển giúp mở rộng không gian đô thị, giao thương giữa các vùng cho Hoài Nhơn”.
Quy hoạch hướng biển cũng được huyện Phù Cát tận dụng để phát triển đô thị phía Đông, gồm 4 xã, thị trấn: Cát Tiến, Cát Hải, Cát Thành, Cát Khánh. Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Đinh Thành Tiến cho biết, xã đã được định hướng phát triển lên thị trấn, đồng thời được quy hoạch mở rộng gắn với quy hoạch khu vực rộng lớn của phía Nam đầm Đề Gi. Xã đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, nâng cao các tiêu chí đô thị loại V, phấn đấu quý I/2023 được công nhận thị trấn.
XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ BỀN VỮNG VÀ ĐỒNG BỘ
Trong hành trình lên thành phố vào năm 2024, TX An Nhơn cũng tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035. Theo kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, An Nhơn có dư địa để mở rộng phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực tam giác An Nhơn - Quy Nhơn - Nhơn Hội, cân bằng mật độ tập trung công nghiệp ở các cực của tam giác và hiện đang quá tải tại Quy Nhơn; đồng thời là địa bàn để phát triển các cơ sở dịch vụ mới trong khu vực tam giác trong điều kiện quỹ đất ở Quy Nhơn đang lấp đầy. Do đó, quy hoạch đô thị An Nhơn định hướng mở rộng theo hướng mô hình đơn trung tâm phát triển đa cực theo hệ thống giao thông. Trong đó, cực phía Bắc lấy phường Đập Đá làm hạt nhân; cực trung tâm lấy phường Bình Định làm hạt nhân; hình thành cực phát triển mới phía Nam gồm Nhơn Hòa và Nhơn Thọ, hỗ trợ cực trung tâm và hành lang QL 19; phía Tây lấy xã Nhơn Phúc làm cực phát triển hỗ trợ các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc và một số xã phía Đông huyện Tây Sơn, trục tác động là ĐT 636.
Như vậy, về cấu trúc, đô thị An Nhơn là khu đô thị lõi và đô thị vành đai - khu công nghiệp - các đô thị vệ tinh gồm: Khu vực Cảnh Hàng - Nhơn Phong; Gò Quánh - Nhơn Mỹ; Nam Tượng - Nhơn Tân và An Thái - Nhơn Phúc, các khu dân cư ngoại thị hiện hữu - khu vực nông nghiệp, vành đai xanh, vành đai ven sông.
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, tỉnh tập trung quy hoạch, xây dựng các đô thị, vùng đô thị, trong đó tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đồng thời, tính toán phát triển các đề án, chương trình phát triển đô thị, kinh tế đô thị; phát triển đô thị biển, đô thị hải đảo; đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh… Phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại các đô thị lớn; phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp và phát triển dịch vụ xã hội tại các đô thị nhỏ…
“Đô thị hóa không chỉ chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang xanh, sạch, đẹp, cuộc sống đô thị văn minh hiện đại. Thời gian gần đây, tôi cảm nhận được Bình Định đang chuyển động mạnh mẽ!”.
TS TRẦN DU LỊCH
“Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển đô thị du lịch biển của Bình Định. 3 năm vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi ngoạn mục như sân bay Phù Cát, QL 19B nối sân bay với Khu kinh tế Nhơn Hội, tuyến đường ven biển… đều là những công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư nhanh chóng, chất lượng và mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành du lịch, bất động sản!”.
Ông ĐỖ CHÍ HIẾU, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch biển Maia Quy Nhơn
MAI HOÀNG