“Sếu đầu đàn” trong nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất khép kín đang là xu hướng. Ở tỉnh Bình Định, nắm giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực phải kể đến những cái tên như tôm Việt-Úc, gà giống Cao Khanh, gà giống Minh Dư…
VIỆT - ÚC KIẾN TẠO HỆ SINH THÁI NGÀNH TÔM
20 năm qua, Tập đoàn Việt Úc từng bước kiến tạo hệ sinh thái ngành tôm ở Bình Định, tạo ra nhiều giá trị lớn lao cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng. Năm 2005, tập đoàn này đầu tư vào phát triển tôm giống phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định và các địa phương lân cận. Từ năm 2010, Việt - Úc đầu tư phát triển phân khúc tôm bố mẹ để lai tạo nguồn giống tốt. Đến năm 2017, Tập đoàn Việt - Úc xây dựng Khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với tổng diện tích 300 ha, công suất 4.500 tấn/năm. Tại đây, đơn vị đầu tư 10 khu nhà màng và 30 khu nhà lưới nuôi tôm thương phẩm áp dụng công nghệ Biofloc, Synbiotic 100% không sử dụng kháng sinh, hướng tới việc xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Úc.
Khu phức hợp nuôi tôm và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc tại Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: Tập đoàn Việt – Úc
Đặc biệt, để phát triển bền vững ngành tôm ở địa phương, bên cạnh khu sản xuất giống, khu nuôi tôm thương phẩm, nhà máy chế biến thức ăn, Tập đoàn Việt - Úc xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản liền kề với quy mô diện tích 20 ha, khép kín chuỗi giá trị từ tôm bố mẹ đến tôm giống - thức ăn - tôm thương phẩm - chế biến xuất khẩu. Nhà máy chế biến sẽ được tự động hóa tối đa dây chuyển sản xuất trên 70%, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong chế biến sản phẩm.
Theo ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Việt - Úc Bình Định, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh ngành tôm từ tôm bố mẹ - tôm giống - thức ăn - tôm thương phẩm - tôm chế biến, thì việc đầu tư cho phân khúc tôm bố mẹ đòi hỏi kỹ thuật lẫn công nghệ cao nhất. Và hầu hết các DN đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Tôm thương phẩm công nghệ cao với quy trình nuôi tuân thủ các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ nghiêm ngặt, không sử dụng kháng sinh. Ảnh: Tập đoàn Việt - Úc.
Với sự hợp tác chiến lược của Viện CSIRO (Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Úc), từ năm 2010, Việt - Úc mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Thành quả của hợp tác này là việc tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Tập đoàn Việt - Úc đã được Bộ NN&PTNT công nhận và cho phép thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam. Việc chủ động được nguồn tôm bố mẹ giúp DN sản xuất ra nguồn tôm giống có tỷ lệ sống cao hơn, sức đề kháng tốt và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tại Bình Định, Tập đoàn đã đầu tư khu sản xuất giống với diện tích 8 ha, cung ứng ra thị trường 5 tỷ con giống/năm.
CAO KHANH - LIÊN KẾT NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ
Năm 2010, Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh (Phù Cát) được thành lập từ nền tảng là hộ kinh doanh con giống gia cầm, thủy cầm. Chỉ hơn 10 năm, Công ty đã vươn lên thành một DN cung cấp giống gà ta, gà thả vườn chất lượng cao. Giống gà ta Cao Khanh khẳng định tên tuổi, uy tín qua việc Bộ NN&PTNT công nhận về tiến bộ KHKT và được xếp vào nhóm 10 sản phẩm vàng của Bộ NN&PTNT 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020.
Giống gà ta Cao Khanh với những đặc điểm vượt trội như có sức đề kháng cao, thân hình vững chắc, tỷ lệ hao hụt thấp, tốc độ tăng trưởng nhanh… phù hợp cho chăn nuôi gà thả vườn, nhờ thế được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi năm, DN cung ứng ra thị trường 20 - 25 triệu con gà giống 1 ngày tuổi, chiếm khoảng 15 - 17% thị phần gà giống lông màu trong cả nước; đồng thời còn xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Campuchia…
Kiểm tra trứng giống tại khu trang trại nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Ảnh: Công ty Cao Khanh
Dù vậy mục tiêu của DN không chỉ dừng lại ở việc cung ứng con giống mà hướng tới phát triển hợp tác, liên kết xây dựng chuỗi giá trị Gà ta Cao Khanh bền vững. Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, cho hay: Chúng tôi vận dụng triết lý kinh doanh “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Ở giai đoạn đầu, Cao Khanh “đi một mình” để tập trung tối đa cho việc phát triển con giống tốt. Còn hiện nay, chúng tôi muốn tạo dựng và tham gia sâu vào liên kết chuỗi để tăng giá trị cho sản phẩm.
Từ năm 2020, Công ty bắt đầu hợp tác với nhiều đối tác cả DN và nông hộ để xây dựng chuỗi liên kết nhà cung ứng - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng bằng hình thức chăn nuôi gia công và bao tiêu sản phẩm. Công ty đầu tư 2 dự án vào lĩnh vực trang trại chăn nuôi công nghệ cao và nhà máy ấp nở gia cầm, thủy cầm công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất. Hiện nay, Công ty lên phương án liên kết, hợp tác cùng Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh) xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm tại tỉnh Bình Định nhằm nâng cao hiệu quả cho chuỗi liên kết 4 nhà, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, định hướng xuất khẩu.
BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO NÔNG NGHIỆP BÌNH ĐỊNH
Xu hướng đầu tư và phát triển công nghệ cao là tất yếu nếu muốn nâng cao giá trị sản phẩm. Tại tỉnh Bình Định, nông nghiệp công nghệ dần được định hình trong giai đoạn 2020 - 2025 với những cú hích về thu hút đầu tư, các chính sách khuyến khích phát triển.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 về việc “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025” tạo tiền đề để ngành nông nghiệp triển khai thực hiện. Cuối năm 2022, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 vào sản xuất, chăn nuôi, tạo cơ sở để thu hút thêm các DN có tiềm năng về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Định. “Với mong muốn có những cánh chim đầu đàn như Việt Úc, Cao Khanh, Minh Dư…, ngành nông nghiệp nỗ lực cùng với các DN từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc bày tỏ hy vọng.
THU DỊU