Mê như…Lía mê hát bội
Ở Bình Định, hát bội là món ăn tinh thần cuốn hút người ta ghê gớm. Người Bình Định có câu “tai nghe trống chiến/ không khiến cũng đi/ nghe giục trống chầu/ đâm đầu mà chạy”. Khi nó trở thành một thứ máu mê, thì người dính vào nó nhiều khi không gỡ ra nổi - “Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con” (ca dao Bình Định). nhưng đến nay chưa thấy ai mê hát bội như chàng Lía, thủ lĩnh khởi nghĩa Truông Mây.
1. Trong công trình nghiên cứu Nghệ thuật hát bội Việt Nam của Nguyễn Lộc và Võ Văn Tường, việc chàng Lía mê hát bội được nhắc đến như một điển tích: “Chàng Lía, lãnh tụ của một phong trào nông dân khởi nghĩa trước phong trào Tây Sơn, lúc còn bé đi chăn trâu rất thích hát bội và khi lập căn cứ ở Truông Mây đã ba lần gọi các gánh hát bội lên biểu diễn”. Vè Chàng Lía kể rằng lúc nhỏ, Lía và bạn mục đồng bày trò đánh nhau, chia phe trung nịnh như trong các tuồng hát:
Nói rằng hát bội ngoài đình
Vua bị vai nịnh vây rành không sai
Bọn ta phân cũng làm hai
Thử làm y vậy xem ai thắng nào?
Theo dòng ký ức của những người già đất Tây Sơn, thời còn ở Bá Bích, mỗi độ xuân về, chàng Lía dựng rạp ở trảng đất gần cầu Nước Xanh, gọi gánh hát về diễn cho dân làng coi. Võ sư Trần Dần, sinh năm 1938, nói rằng theo các cụ đời trước kể lại, “Ông Lía ổng ghiền coi hát bội, mà phải có mẹ ổng coi nữa ổng mới chịu. Sau mẹ ổng mất, lần nào giỗ mẹ ổng cũng tổ chức hát bội. Ổng có hiếu lắm!”.
Khi đã trở thành thủ lĩnh Truông Mây, Lía vẫn “tính ưa hát bội xiết bao”. Hễ có dịp nghỉ ngơi, Lía liền cho gọi các gánh hát lên sơn trại biểu diễn. Gánh hát đầu tiên lên núi theo lệnh đòi là gánh Bầu Huật. Lía giao ước:
Hát sao cho thích dạ này
Giá một ta thưởng bằng nay gấp mười
Nhược bằng chú hát lôi thôi
Ta chém cả lũ đầu rơi tức thì.
Thật là lối giao ước có một không hai! Không may cho bầu Huật, hôm diễn tích Lưu Bị đi mời Khổng Minh, kép chính sắm vai Lưu Bị bị bịnh, phải thay người, khổ nỗi anh kép đóng thế tuy hát hay vô cùng nhưng lại bị tật ở chân:
Ra sân lui tới ngập ngừng
Chân cao chân thấp lạ lùng xiết bao.
Sự cẩu thả của bầu Huật khiến Lía nổi giận truyền quân đem chém. Việc này trở thành nỗi ám ảnh đối với giới hát bội Bình Định. Khi Lía có lệnh đòi, trước lúc lên đường các bầu gánh và nghệ nhân thế nào cũng đi chào “vĩnh biệt” họ hàng một lượt, rồi người nhà “quải đơm, tế sống”, như bầu Lễ chẳng hạn. Bầu Lễ run sợ đến gặp Lía, Lía trấn an, bảo hát cho hay thì không việc gì. Đào kép không dám khinh suất, đem hết tài nghệ ra diễn. Lía đích thân cầm chầu, vô cùng thỏa chí. Gánh bầu Lễ được thưởng cả cái rạp hát, lụa là gấm nhiễu đến vài nghìn cây, và hai trăm lạng bạc làm sở phí, chất đầy “mười xe lìa chốn sơn trung”. Không thể tả xiết tâm trạng người trở về như thế nào!
Một cảnh diễn trong vở tuồng Xử án Mộc Đài Sơn do Đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
2. Mê hát bội là điểm mạnh hay điểm yếu của Lía? Có chăng niềm đam mê ấy đôi khi bị phóng đại trong Vè Chàng Lía, và biết đâu chẳng là gợi ý để tác giả dân gian đưa ra một con hát Lệ Vy hoa nhường nguyệt thẹn, vào Truông Mây hầu rượu “hát từng khúc hay” chao đảo người nghe, nghiêng ngửa cả sự nghiệp anh hùng.
Văn Doan diễn ca cũng chép việc Lía xem hát bội thành một lớp khá thú vị với hình thức “tuồng trong tuồng”. Tương truyền, sau khi lên Truông Mây, Lía đổi tên là Văn Doan. Lía sai lâu la đưa tờ gọi gánh hát ông bầu Nhưng Tiết lên núi. Thấy tên Văn Doan trong trát đòi, cả nhà rụng rời, vợ Tiết làm lễ tế sống chồng trước khi ông lên đường. Lên núi, thấy giáo cắm bốn hàng sáng rực, bầu Tiết vô cùng sợ hãi. Lía nửa thiệt nửa giỡn nói: “Để cha phân cho con rõ, giáo cha cắm đó là, hát bội thằng mô hay thì cha thưởng, thằng mô dở thì cha xóc quách nó lên ngọn giáo cha chơi”.
Tiết xin diễn tuồng Ngũ Tử Tư phá mồ, Lía không chịu, đòi diễn tuồng Tam quốc, rồi mặc áo đại bào thêu rồng vàng, đích thân cầm chầu. Kép Phụng - Lộn (có lẽ dịch thoát tên chữ Phi Phụng) ra vai Quan Công, thần uy đĩnh đạc. Lía vô cùng ngưỡng mộ, đứng dậy làm lễ mừng Ông. Kép Phụng-Lộn thấy Lía bước tới, hoảng sợ té nhào. Tiết vội vàng nói đỡ là do kép hát sợ oai ngài nên đứng không vững, Lía cười xòa. Chầu hát tiếp tục lớp Lưu Bị nhớ Quan Công. Vai Lưu Bị trong Văn Doan diễn ca mô tả tương tự như trong Vè Chàng Lía, cũng do anh kép hát dẹo cẳng đóng. Lía bực lắm, hỏi Tiết: “Lưu Huyền dòng dõi Hớn gia/ Thiên sanh giáng thế sao mà một chưn?”. Tiết trả lời: “Bẩm cha, một chưn là thằng kép hát có tật, Lưu Huyền Đức người chơn mạng đế vương, có một chưn ở mô?”. Lía thầm khen tài ứng đối của bầu Tiết, cho qua.
Sau ba ngày coi hát, Lía đòi cả đoàn vào gặp mình, bầu Tiết nơm nớp lo âu, không biết sẽ còn bị làm tội làm tình thế nào. Không ngờ chàng Lía (Văn Doan) ban thưởng cho gánh hát rất hậu, lại sai mười người tâm phúc hộ tống về nhà để phòng bất trắc dọc đường.
3. Cũng một sự mê hát bội, nhưng cách hành xử của Lía ở bản tuồng Văn Doan diễn ca đã khác so với Vè Chàng Lía. Lía trong diễn ca vẫn thể hiện uy quyền nhưng đã bớt cái lỗ mãng của một anh tướng núi. Tuy chàng cũng dọa nếu hát dở sẽ giết, nhưng suốt chầu hát chàng không hề đánh giết một ai dẫu các nghệ sĩ nhiều phen sơ suất. Chỗ nào không vừa ý, Lía gọi vào vặn hỏi, lắng nghe bầu gánh phân trần và rộng lượng bỏ qua những lỗi diễn mà bạn hát mắc phải, thậm chí còn vui vẻ trước tài mồm mép của ông bầu nghệ sĩ. Tính hiếu thắng và lạm sát của chàng Lía trong vè đã được tác giả Văn Doan diễn ca tước bỏ, thay vào đó là thái độ thưởng lãm được điều tiết, cùng ân uy khôn khéo phù hợp với tư thế của “sơn vương”.
Hát bội là một nghệ thuật sân khấu đặc thù, kịch bản gắn với điển tích lịch sử, nghệ thuật biểu diễn mang tính tượng trưng và ước lệ cao, có thuộc nhiều tuồng tích, hiểu rõ từng trình thức, mảng miếng mới có thể đối thoại hoặc bắt bẻ người trong nghề. Các giai thoại Lía xem hát bội cho thấy dân gian đánh giá rất cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của Lía.
Cách ứng xử của Lía với các gánh hát phản ánh một hiện thực: Trong đời sống văn hóa Bình Định thế kỷ XVII - XVIII, nghệ thuật hát bội đã khá thành tựu, hình thành trong giới bình dân một lớp khán giả lý tưởng mà nhu cầu của họ ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của loại hình sân khấu này.
Mùa xuân, mùa chim én liệng, mùa hội hè đình đám đã về. Nghe vẳng tiếng trống tuồng mà nhớ Lía. Đêm đêm tiếng trống chầu vang vọng xóm thôn Bình Định, lay động tấm màn nhung lộng lẫy - Người ở đâu trong nước non này/ Người có cõng mẹ già về coi hát bội không?
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG